Khởi động dự án điện mặt trời áp mái "khủng" cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 02/03/2023 20:31 PM (GMT+7)
Dự án điện mặt trời áp mái có quy mô "khủng" nhất từ trước tới nay sẽ được Công ty TNHH De Heus, Công ty CP Bel Gà và Green Roof triển khai để góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam sang phát thải thấp và bền vững.
Bình luận 0

Dự án điện mặt trời áp mái lần này có công suất lên đến 20MWp, được De Heus và Bel Gà triển khai tại 19 tỉnh thành trên khắp Việt Nam trong 2 năm tới.

Điện mặt trời áp mái giúp giảm phát thải

Tháng 12/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Nhiều dự án trong ngành môi trường nhằm tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng sạch được triển khai để góp phần thực hiện cam kết này.

Ngày 2/3/2023, tại Tổng lãnh sự quán Hà Lan (TP.HCM), Công ty TNHH De Heus, Công ty CP Bel Gà và Công ty Green Roof đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng phát triển dự án điện mặt trời áp mái.

Công ty TNHH De Heus De Heus, Công ty CP Bel Gà và Công ty Green Roof đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng phát triển dự án điện mặt trời áp mái tại Tổng lãnh sự quán Hà Lan (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Công ty TNHH De Heus, Công ty CP Bel Gà và Công ty Green Roof đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng phát triển dự án điện mặt trời áp mái tại Tổng Lãnh sự quán Hà Lan (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc điều hành De Heus châu Á cho biết, lĩnh vực chăn nuôi của De Heus và Bel Gà cần nguồn năng lượng khá lớn. Các nhà máy của De Heus và Bel Gà đang sử dụng chủ yếu nguồn điện năng của Công ty Điện lực Việt Nam EVN. 

Từ 5 năm trở lại đây, De Heus đã đầu tư điện mặt trời cho một số nhà máy của mình ở Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Định.

Điểm khác biệt của dự án này là hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ đầu tư 1 lần cho hầu hết các nhà máy và các trại lớn của De Heus và Bel Gà. Dự án sẽ giúp cung cấp khoảng 20-25% nguồn điện năng của 2 công ty.

"Dự án này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo vệ môi trường, sau đó là hỗ trợ công ty và đơn vị liên kết tiết kiệm chi phí sản xuất", ông Gabor Fluit cho biết. 

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển của De Heus tại Vĩnh Long. Ảnh: PV

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của De Heus tại Vĩnh Long. Ảnh: PV

Điện mặt trời áp mái tăng cường nguồn năng lượng sạch

Ông Kelvin Vương - Tổng Giám đốc Công ty Green Roof cho biết, việc giảm thiểu carbon là tiêu chuẩn của thế giới, nhằm mục tiêu "zero" khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để xây dựng dự án điện mặt trời áp mái khoảng 1MW cần 10.000m2 mái nhà, với tổng mức đầu tư trung bình khoảng 600.000-700.000 USD.

Nhà máy ấp trứng của Công ty Bel Gà tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PV

Nhà máy ấp trứng của Công ty Bel Gà tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PV

Theo ông Kelvin Vương, điện mặt trời áp mái không có tham vọng thay thế ngay lập tức nguồn năng lượng cung cấp cho nhà máy để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên với các doanh nghiệp có ký kết giảm phát thải rất cần nguồn năng lượng sạch. Điện mặt trời áp mái là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, giúp các doanh nghiệp thực hiện cam kết sử dụng năng lượng sạch và giảm chi phí sản xuất càng nhiều càng tốt.

Dự án điện mặt trời áp mái lần này có tổng công suất lên đến 20MWp. Dự án này sẽ được triển khai ở 30 địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng như trang trại giống di truyền, và nhà máy ấp của De Heus và Bel Gà trên khắp Việt Nam.

Dự án được khởi động vào quý II/2023 và hoàn thành vào năm 2024. Dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 28 triệu kWh năng lượng sạch, giúp cắt giảm 22.500 tấn CO2 hàng năm, tương đương với lượng hấp thụ CO2 của 1 triệu cây trưởng thành và loại bỏ 5.000 xe hơi một năm.

Bên trong Nhà máy ấp trứng của Công ty Bel Gà tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bên trong Nhà máy ấp trứng của Công ty Bel Gà tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ở chiều ngược lại, dự án giúp Green Roof đảm bảo mục tiêu đầu tư vào các dự án năng lượng sạch theo đúng định hướng hoạt động của công ty.

"Quan điểm của Green Roof là càng có nhiều người tham gia sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch nhiều hơn nữa, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng", ông Kelvin Vương chia sẻ.

Ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam cho biết, việc hợp tác và phát triển dự án điện mặt trời áp mái ở mọi cơ sở sản xuất của công ty tại Việt Nam là bước tiến tiếp theo trong cam kết tạo nên chuỗi sản xuất thực phẩm bền vững hơn.

De Heus sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và tìm hiểu các phương hướng áp dụng năng lượng tái tạo khác, ví dụ như thử nghiệm hệ thống lưu trữ điện và lắp đặt điện mặt trời nổi trên ao nuôi trồng thủy sản.

De Heus cũng sẵn sàng tham gia cơ chế DPPA (bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia) ngay khi cơ chế này chính thức được ban hành tại Việt Nam.

"Đó sẽ là một bước đi quan trọng giúp De Heus thực hiện mục tiêu tối đa hóa việc sử dụng năng lượng sạch, hướng tới giảm phát thải carbon", ông Johan van den Ban nói. 

Dự án điện mặt trời áp mái được khởi động vào quý II/2023 và hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dự án điện mặt trời áp mái được khởi động vào quý II/2023 và hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Những năm qua, Công ty Bel Gà đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện song song với phát triển kinh doanh. Ông Rick van der Linden - Tổng Giám đốc Bel Gà cho biết, Bel Gà nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải đóng góp vào tính bền vững của môi trường.

Năm 2023 kỷ niệm tròn 10 năm Bel Gà được thành lập ở Việt Nam. Dự án lần này đánh dấu việc Bel Gà bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo có chiến lược hơn, thể hiện cam kết về phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm. 

Chính phủ Hà Lan tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam sản xuất xanh

Ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan đánh giá cao hợp tác lần này của các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan đánh giá cao hợp tác lần này của các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chính phủ Hà Lan đã từng hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong nông nghiệp. Ông đánh giá thế nào về dự án điện mặt trời áp mái lần này?

Việt Nam và Hà Lan là đối tác lớn của nhau trong phát triển nông nghiệp. Chuyển đổi bển vững là một yếu tố rất quan trọng trong tiến trình phát triển này.

Tôi tin rằng sự phát triển này đang được dẫn dắt hiệu quả bởi các doanh nghiệp. Điển hình là các doanh nghiệp Hà Lan trong ngành nông nghiệp như De Heus.

De Heus, một công ty của Hà Lan phối hợp cùng Green Roof – công ty được các quỹ đầu tư của châu Âu (trong đó có Hà Lan và Na Uy) hỗ trợ. Dự án năng lượng mặt trời áp mái này là một ví dụ hoàn hảo cho sự phát triển và hợp tác trên.

Việc các công ty Hà Lan và châu Âu hoạt động, vận hành, đầu tư một cách bền vững tại Việt Nam là điều chúng tôi mong muốn nhìn thấy.

Chính phủ Hà Lan đã có hoạt động cụ thể nào để giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững thưa ông?

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Hà Lan thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Một trong những chủ đề chính của năm 2023 đối với chúng tôi là Phát triển bền vững, và một trong những trụ cột chính của phát triển bền vững là giảm phát thải CO2.

Tại Hà Lan, đây là một chủ đề đang nhận được sự quan tâm lớn. Ở Việt Nam, chúng tôi (Chính phủ Hà Lan), thông qua Quỹ Climate Fund Manager, đã đầu tư vào một trang trại gió trị giá 17 triệu Euro tại Trà Vinh.

Cùng với dự án năng lượng mặt trời áp mái được ký kết ngày lần này, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam đưa tiến trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm thiểu phát thải CO2 trong ngành nông nghiệp.

Được biết, cơ chế DPPA sắp được ban hành tại Việt Nam. Chính Phủ Hà Lan sẽ có những hoạt động nào tiếp theo để giúp Việt Nam sau dự án điện mặt trời áp mái này thưa ông?

Chúng tôi cũng rất mong chờ cơ chế DPPA được ban hành tại Việt Nam để đưa chuyển đổi năng lượng bền vững lên một bước tiến nữa.

Hà Lan là quốc gia Châu Âu đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam với nhiều công ty lớn đang hoạt động tại đây như: De Heus, Heineken, Friesland Campina.

Chúng tôi biết những công ty này đều đang nỗ lực thay đổi quy trình sản xuất xanh hơn. Tôi tin rằng những nỗ lực này cũng sẽ đóng góp lớn cho việc chuyển đổi bền vững tại Việt Nam.

Như vậy, có 2 lĩnh vực chính mà Hà Lan đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình giảm thải khí CO2.

Trước hết là chúng tôi đầu tư vào các dự án lớn như trang trại điện gió và điện áp mái. Tiếp theo là chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ các công ty Hà Lan tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất của mình.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Vỹ (thực hiện)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem