Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn Văn Lê

Minh Thi Thứ hai, ngày 07/09/2020 11:46 AM (GMT+7)
Nhà thơ Văn Lê qua đời tại nhà riêng vào đêm qua 6/9, sau một cơn đau tim đột ngột, hưởng thọ 72 tuổi.
Bình luận 0

Lễ viếng ông bắt đầu từ lúc 9h ngày 7/9/2020 tại nhà riêng, số 28 đường Văn Chung, P13, quận Tân Bình, TPHCM. Sau đó đưa đi hỏa táng tại lò thiêu Bình Hưng Hoà vào ngày 9/7/2020.

Theo nhà văn Phùng Hiệu, 20h45 tối qua 6/9, nhà thơ Văn Lê đang ngồi xem ti vi thì cơn đau tim đột ngột ập đến, chỉ trong vòng 2-3 phút căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của ông. Sự việc xảy ra quá nhanh, đến mức người thân của ông chưa kịp gọi xe cấp cứu thì tim ông đã ngừng đập.

Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Ảnh 1.

Nhà văn Văn Lê.

Cây bút đa năng và sắc sảo

Nhà thơ Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2/3/1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1974. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ Giải phóng rồi tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu.

Văn Lê là con người đa năng, xuất thân nhà thơ, dần ông chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim, đạt nhiều thành tựu. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 12 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam; Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khoá IV, Uỷ viên Hội đồng Thơ khoá V, VI.

Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Ảnh 2.

Trong sự nghiệp văn học của mình, ông đã xuất bản gần 30 tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết và nhận được gần 10 giải thưởng văn học cao quý.

Những tác phẩm tiêu biểu của Văn Lê gồm: "Những ngày không yên tĩnh" (truyện, ký 1978), "Bão đen" (truyện, 1980), "Đồng chí Đại tá của tôi" (truyện, 1981), "Người gặp trên tàu" (tiểu thuyết, 1982), "Khoảng thời gian tôi biết" (tập thơ, 1983), " Ngôi chùa ở Pratthana" (tiểu thuyết, 1985), "Khoảng rừng có những ngôi sao (tiểu thuyết" (1985), "Hai người còn lại trong rừng" (tiểu thuyết, 1989), "Tình yêu cả cuộc đời" (tiểu thuyết, 1989), "Khi tòa chưa tuyên án" (tiểu thuyết, 1989), "Tiếng rơi của hạt sương khuya" (tiểu thuyết, 1993), "Phải lòng" (tập thơ, 1994), "Nếu anh còn được sống" (tiểu thuyết, 1994), "Những cánh đồng dưới lửa" (trường ca, 1997), "Đồng dao thời chiến tranh" (tiểu thuyết, 1999), "Cao hơn bầu trời" (tiểu thuyết, 2004), "Những câu chuyện làng quê (văn, 2005), "Câu chuyện của người lính binh nhì" (trường ca, 2006), "Mùa hè giá buốt" (tiểu thuyết, 2009", "Mỹ nhân" (tiểu thuyết, 2013), "Vé trở về" (tập thơ, 2013), "Thần thuyết của Người Chim" (tiểu thuyết, 2014), "Phượng hoàng" (tiểu thuyết, 2014)…

Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Ảnh 3.

Các giải thưởng văn học ông đã nhận được: Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976), Giải B thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, Giải A thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam 1994, với tập thơ "Phải lòng", Tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994, với tiểu thuyết "Nếu anh còn được sống", Tập trường ca "Những cánh đồng dưới lửa" nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học quốc tế Me Kong 2006. Tiểu thuyết "Mùa hè giá buốt" đoạt giải B (Không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004 – 2009). 

Bên cạnh đó, ông còn nhận Giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011). Tiểu thuyết "Phượng hoàng" nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014).

Đồng thời, trong lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê đã nhận các giải thưởng: 3 lần đạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông Sen Vàng, 5 Bông Sen Bạc, 2 Cánh Diều Vàng. 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng cao về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Ông là tác giả kịch bản phim truyện "Long Thành cầm giả ca", Giải nhất về kịch bản của Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa,Thể thao và du lịch, bộ phim được nhận giải nhất Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm 2012.

Cày bừa không nghỉ trên cánh đồng lịch sử

Nhiều năm qua, nhà văn Văn Lê là một trong những người cày bừa say sưa trên cánh đồng lịch sử, để tìm ra những sự thật trong văn chương. Và dù ở hình thức nào, tiểu thuyết hay trường ca, kịch bản phim truyện và tài liệu, chất liệu sử thi, tráng ca cũng thấm đẫm từng trang viết, mang lại cho người đọc cái nhìn hai chiều, những trăn trở phía sau từng cuộc chiến. 

Nói về đề tài người lính xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, nhà văn Văn Lê từng thổ lộ: "Tôi cũng giống như người nước ngoài hay tìm hiểu về dân tộc ta, vì sao một dân tộc đói nghèo như thế mà lại đánh đổ được nhiều kẻ thù xâm lược. Đó là sự thật có thể nói là thần bí của dân tộc, mà người ta chỉ có thể làm được mà không thể lý giải tỏ tường. 

Thứ hai, thực sự thì cảm hứng lịch sử luôn luôn thôi thúc, có thể nói là "o ép" tôi phải làm cái gì đó, như là lý giải, giãi bày, chia sẻ những suy nghĩ của mình đối với bạn đọc và những người khác. Chứ còn những ai có thể đồng cảm thì lại là chuyện khác nữa. Âu đó cũng là cách bày tỏ chính kiến của mình, đặc biệt là trước những vấn đề mang tính nhạy cảm của lịch sử".

Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Ảnh 4.

Trong các tác phẩm, nhà văn tâm đắc với tiểu thuyết "Nếu như anh được sống", "Mùa hè giá buốt" và "Phượng Hoàng". Cuốn tiểu thuyết "Phượng Hoàng" xoay quanh vấn đề duy nhất: Phẩm hạnh. "Khi chúng ta bị chà đạp, bị kẻ khác chùi chân lên người mình mà vẫn giữ được phẩm giá một cách kiêu hãnh thì đó chính là phẩm hạnh. Nhờ đó, chúng ta mới tích cóp được sức mạnh để lật ngược thế cờ. Chính phẩm hạnh đó được lưu trữ từ tổ tiên truyền đến người lính để họ giữ được danh dự, cốt cách con người, đi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh một các điềm tĩnh và đầy tính nhân văn...", nhà văn chia sẻ.

Và nhà văn Văn Lê nhấn mạnh lý do ông thích viết đề tài lịch sử như một nguồn cảm hứng dồi dào mới đây: "Cái khủng khiếp của chiến tranh là sự mất mát quá lớn. Có lẽ do con người chết nhiều quá, nhiều khi chết đơn giản quá, thành thử ra sau này người ta trở nên vô cảm với những cái đau, vô cảm với cái chết của người khác. Nhìn lại lịch sử, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện, nhưng cái khó nhất là không sao thay đổi được lịch sử nữa. Vấn đề chính là thái độ của chúng ta đối với lịch sử nên thế nào mà thôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem