Vĩnh Phúc: Tắc ở nhiều tiêu chí

Thứ tư, ngày 03/04/2013 09:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2011 – 2013 là Tam Hợp và Tân Phong. Trong quá trình triển khai, các xã điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn do tắc ở nhiều tiêu chí.
Bình luận 0

Đường sạch nhưng môi trường ô nhiễm

Ông Nguyễn Huy Hải – Phó phòng NNPTNT huyện Bình Xuyên cho biết: “Mặc dù có 2 xã điểm, nhưng hầu hết các xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhất là đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa trường học… đa số đã xuống cấp. Để đạt tiêu chí NTM cần một lượng tiền rất lớn, vì vậy hiện 2 xã điểm mới đạt 14/19 tiêu chí (tăng 6 tiêu chí), nhưng hầu hết các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó”.

img
Nhiều tuyến đường ở Bình Xuyên đã được bê tông sạch đẹp, nhưng tiêu chí môi trường vẫn chưa đạt vì nhà máy xả thải.

Bước vào xây dựng NTM từ năm 2011, cả 2 xã Tam Hợp và Tân Phong mới chỉ đạt 7 tiêu chí, như vậy trong 3 năm mỗi xã phải đạt thêm 12 tiêu chí, trung bình 4 tiêu chí/năm. Với một xã thuần nông, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp đây là một thách thức không nhỏ. Ông Tạ Văn Phòng – Chủ tịch UBND xã Tam Hợp bày tỏ những khó khăn của xã: “Năm 2012, xã đã xây dựng được 1 nhà văn hóa thôn, và quy hoạch xong 5 nhà văn hóa thôn, nhưng hiện vẫn chưa có vốn để xây dựng”. Cũng theo ông Phòng, hiện xã còn 1 trường mầm non chưa đạt chuẩn và phải chuyển sang vị trí khác, nhưng đang vướng giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, về môi trường, hiện xã có 99% số hộ được sử dụng nước sạch, song vẫn còn một số nhà máy đóng trên địa bàn thải bẩn, cả xã cũng chỉ mới quy hoạch được 2/7 nghĩa trang. Bà Trần Thị Đích (73 tuổi), thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp phàn nàn: “Xã xây dựng NTM đường đổ bê tông phẳng lỳ, nhà cửa được chỉnh trang, thôn đã thành lập cả tổ để gom rác. Nhưng gần đây Nhà máy Gạch Hoa Cương ngày đêm nhả khói, thải bẩn. Trong thôn đã có mấy người chết vì bệnh ung thư rồi, chỉ vì cái nhà máy này mà cả xã phải chịu khổ”.

Thiếu quỹ đất xây dựng hạ tầng

Hiện 10/10 xã của Bình Xuyên đều chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa và hầu hết các xã đều không còn quỹ đất, nên khi quy hoạch, lập dự án đều “dính” đến đất lúa. Về vấn đề này, ông Phòng chia sẻ: “Xã không còn quỹ đất lưu không, nên quy hoạch trường mầm non, nhà văn hóa, sân thể thao… đều phải “xén” đất lúa. Tuy nhiên, lại “vướng” vào Nghị định 42/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ đất lúa. Ngoài ra thời gian gần đây bất động sản đóng băng, nên mặc dù đã giải phóng mặt bằng, phân lô đất đấu giá nhưng vẫn không đấu giá được. Nếu không giải quyết được 2 vấn đề này, tôi e cuối năm 2013 xã rất khó về đích”.

“Trong 2 năm xã đã nâng thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng/người/năm (2012), vận động người dân đóng góp hơn 30 tỷ đồng và 3.000m2 đất nông nghiệp, 1.200 đất thổ cư để xây dựng NTM. Tuy nhiên, một số công trình muốn hoàn thành phải “chạm” đến đất lúa, xã đã để nghị lên tỉnh xử lý, nhưng vẫn chưa có câu trả lời”.

Bên cạnh đó, xã Tân Phong cũng đang gặp khó ở các tiêu chí thủy lợi; cơ sở vật chất văn hóa, trường học, cơ cấu lao động và môi trường, trong khi đó nguồn kinh phí lớn nhất là trông chờ vào bán đấu giá đất thì vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù xã đã có tới 36 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 200 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã, nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem