Vĩnh Phúc về đích với mục tiêu “không nợ đọng”

Việt Tùng Thứ bảy, ngày 27/05/2017 13:13 PM (GMT+7)
Các xã đã về đích phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, còn các xã phấn đấu về đích năm 2017 phải không có nợ đọng xây dựng cơ bản… Đó là quyết tâm và chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh tiến độ về đích của các xã.
Bình luận 0

Linh hoạt đưa các xã đạt chuẩn

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị xét, bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn NTM cho các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2016. Theo đó, năm 2016 Vĩnh Phúc có 28 xã đăng ký đạt chuẩn NTM.

img

Người dân xã Xuân Lôi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tham gia quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, với tiêu chí “5 không, 3 sạch”. V.T

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến hết tháng 4.2017, toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt 19/19 tiêu chí, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 87/112 xã, đạt 77%. Dự kiến giai đoạn 2017-2020, Vĩnh Phúc sẽ cần khoảng hơn 4.160 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách là trên 1.563 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các  chương trình, dự án khác  hơn 562 triệu đồng.  

Cuối năm 2016, xã Tiền Châu đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Trong 27 xã còn lại, có 18 xã đã thẩm định, kết quả có 16/18 xã đã đạt 19/19 tiêu chí; 2 xã còn lại là Vân Trục (Lập Thạch) chưa đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh; xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) chưa hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ 2 xã Hoàng Hoa (Tam Dương) và Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên) đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, các xã còn lại chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM do còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Căn cứ theo tình hình thực tế, tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các xã trả nợ xây dựng cơ bản. Đối với các xã có tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản thấp, đủ khả năng trả nợ, khi lãnh đạo huyện có cam kết, lộ trình trả nợ thì tỉnh nên linh hoạt xét công nhận cho đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở KHĐT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, xác định rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của các địa phương để làm căn cứ xét duyệt. Bên cạnh đó yêu cầu các địa phương trong thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó tập trung phản ánh những mặt tốt, xấu, những tồn tại hạn chế liên quan đến môi trường, chợ nông thôn, xây dựng thiết chế văn hóa. Các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, xác nhận các nội dung, tiêu chí phụ trách để có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

Nâng cao chất lượng tiêu chí các xã về đích

Cuối năm 2016, xã Xuân Lôi (Lập Thạch) đã cán đích NTM trong niềm vui của toàn dân. Việc phấn đấu về đích NTM đã khó, việc giữ vững và nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường còn khó khăn hơn. Do đó, ngay sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, chính quyền xã xác định, để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp cần có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị xã hội và trách nhiệm của mỗi người dân.

Một số kết quả nổi bật
* 100% số xã đã được quy hoạch; 90,5 đường liên xã, trục xã, 76,6% đường trục thôn, ngõ xóm và 61,8% đường giao thông nội đồng được cứng hóa. 
*  100% kênh loại I-II và 94% kênh loại III được kiên cố hóa.
*  Trong 6 năm, nhân dân Vĩnh Phúc đã tự nguyện hiến gần 820.000m2 đất, góp hơn 250.300 ngày công, hơn 422 tỷ đồng cho thực hiện chương trình. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, trong thời gian qua xã Xuân Lôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các đoàn thể chính trị cùng tham gia và cụ thể hóa bằng các kế hoạch, việc làm cụ thể như: Phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội LHPN xã phát động và làm nòng cốt thực hiện; ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh của Đoàn Thanh niên xã; mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốc… Những phong trào này đã và đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền việc bảo vệ môi trường đến người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong toàn xã đều đã xây dựng hầm biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, giảm thiểu mùi hôi. Các hộ đều có hố rác thải tại chỗ và tự giác phân loại nguồn rác thải của gia đình, nên môi trường đã được cải thiện đáng kể” – bà Huyền cho thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem