VPBank “dọn đường” đón cổ đông chiến lược, ai là ứng cử viên sáng giá?

H.Anh Thứ tư, ngày 19/05/2021 08:12 AM (GMT+7)
Việc khóa room ngoại ở mức 15% là động thái “dọn đường” của VPBank để đón cổ đông chiến lược nước ngoài theo như kế hoạch được lãnh đạo nhà băng này tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 4 vừa qua. Ai sẽ là ứng cử viên sáng giá cho “ghế” đối tác chiến lược của VPBank.
Bình luận 0

VPBank khóa room ngoại về 15%

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã nhận được thông báo tỷ lệ nước ngoài tối đa của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPBank).

Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank được chốt ở mức 15%.

VPBank “dọn đường” đón cổ đông chiến lược SMBC?  - Ảnh 1.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng đang xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước khóa room ngoại xuống dưới mức 15% để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.

Trước khi khóa room ngoại ở mức 15%, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết hiện room ngoại của VPBank mới chỉ khoảng 22,77%. 

Mục tiêu của VPBank là mở room ngoại lên mức tối đa 30%, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược và có thể phát hành vào cuối năm nay để huy động vốn cho ngân hàng.

Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% và tổng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. 

Vì vậy, để hiện thực hóa kế hoạch này, trước mắt VPBank đang xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước khóa room ngoại xuống dưới mức 15%. 

Lãnh đạo ngân hàng cũng tiết lộ, VPBank sẽ dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ hiện có (hiện có 75 triệu cổ phiếu quỹ) để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Như vậy, việc tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank được chốt ở mức 15% là động thái đầu tiên của VPBank "dọn" đường đón nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sau khi được lãnh đạo nhà băng này tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

VPBank "dọn" đường đón ai?

Vậy ứng cử viên sáng giá cho đối tác chiến lược của VPBank là ai?

Một trong những chi tiết không thể bỏ qua đó là, Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit hiện đang sở hữu 15% cổ phần tại Eximbank – một ngân hàng cổ phần gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Theo TS. Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu kế toán Úc, khoản đầu tư này được cho là không thành công đối với tổ chức này, và dường như SMBC đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư mới đối với các ngân hàng khác và VPBank là một trong những ứng viên trong lựa chọn đầu tư của SMBC.

"Hiện tại là FE Credit, nhưng tương lai SMBC có thể là đối tác chiến lược của VPBank", ông Long nêu quan điểm.

VPBank “dọn đường” đón cổ đông chiến lược SMBC?  - Ảnh 3.

VPBank có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài từ 2019 – theo SSI Research.

Cũng theo vị này, năm 2020, lợi nhuận của VPBank là hơn 10.000 tỷ, vốn điều lệ gần 26.000 tỷ đồng nhưng điểm lưu ý là thặng dư vốn của nhà băng nay ở mức thấp. Tuy nhiên, VPBank có hơn 2.200 tỷ đồng cổ phiếu quỹ (tại thời điểm 31/12/2020). Đó là những nguồn có thể thấy được ngân hàng sẽ có được đối tác chiến lược như SMBC trong tương lai.

Trên thực tế, SMBC thời gian qua đã có những động thái cho thấy, tập đoàn tài chính này muốn rút khỏi Eximbank. Đơn cử như việc, rút đại diện khỏi Hội đồng quản trị Eximbank vào năm 2019. Đây cũng là thời điểm VPBank có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài từ 2019 – theo SSI Research.

Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Eximbank vừa qua bất thành cũng là bởi SMBC không cử người tham dự, chỉ có 61 cổ đông tham dự đại diện cho 512.070.324, tương đương tỷ lệ 41,65%.

Thậm chí, Chủ tịch Yasuhiro Saitoh còn phải "thốt" lên rằng, thực sự ông không biết ý định của cổ đông SMBC là gì? Thực tế là, ông đã không làm việc ở SMBC nữa nên không biết được chiến lược, ý định của bên đó thế nào.

"Với vai trò là ngân hàng tầm cỡ, toàn cầu như SMBC, tôi thực sự rất buồn khi họ không tham dự vào ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Eximbank", ông Yasuhiro Saitoh nói.

Trong một diễn biến khác, mới đây 5 trong nhóm 10 quỹ ngoại thành viên của Dragon Capital vừa mua vào tổng cộng 3,15 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm tại nhà băng này từ 4,99% lên 5,12%.

Cụ thể, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) mua vào 1,5 triệu cổ phiếu, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua 600.000 cổ phiếu. Hai quỹ ngoại CTBC Vietnam Equity Fund, Norges Bank cùng giao dịch 500.000 cổ phiếu và Samsung Vietnam Securities Master Invesment Trust mua vào 50.000 cổ phiếu VPB.

Trong nhóm quỹ thành viên Dragon Capital, VEIL hiện nắm nhiều nhất với gần 42,65 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,74%.

Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm thành cổ đông lớn là 11/5. Sau các giao dịch, nhóm quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn sở hữu hơn 125,77 triệu cổ phiếu VPBank.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem