Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Sau thương vụ FeCredit, vốn chủ sở hữu có thể đạt 90.000 tỷ, vốn điều lệ lên 75.000 tỷ

Huyền Anh Thứ năm, ngày 29/04/2021 16:43 PM (GMT+7)
Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, theo dự kiến đến cuối năm 2021 vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ đồng. Cuối năm, sẽ đề xuất ĐHĐCĐ nâng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu lên tối thiểu khoảng 75.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2021.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, với sự nỗ lực của cán bộ nhân viên ngân hàng VPBank đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu cơ bản ĐHĐCĐ giao cho.

10 năm, tổng thu nhập của VPBank tăng 30 lần, lợi nhuận tăng 20 lần

Tiêu biểu, tăng trưởng tín dụng 19% - mức cao, tiếp tục duy trì tăng trưởng huy động; duy trì chất lượng khoản vay, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%. 

Đặc biệt, duy trì cơ chế dự phòng với hơn 5.000 tỷ từ ngân hàng mẹ và gần 8.000 tỷ từ công ty tài chính – đảm bảo cho VPBank đủ tiềm lực vượt qua các rủi ro.

Chủ tịch VPBank: Vốn chủ sở hữu có thể đạt 90.000 tỷ, nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của VPBank

Riêng về lợi nhuận, VPBank báo lãi trước thuế 13.019 tỷ đồng, hoàn thành 127% kế hoạch và tăng 26,1% so với kết quả thực hiện năm 2019. Với kết quả này, VPBank là một trong bốn ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành năm 2020.

Hơn nữa, VPBank cũng là một trong số ít ngân hàng có doanh thu tăng nhưng chi phí giảm. Hiện, tỷ lệ chi phí/ doanh thu của VPBank đang ở mức thấp nhất trên thị trường.

"Lợi nhuận trước thuế của VPBank đến từ các nguồn thu đa dạng, không phải đến từ các nguồn thu bất thường. Đặc biệt nếu nhìn vào cơ cấu huy động và cho vay hay doanh thu và lợi nhuận cho thấy hoạt động của VPBank đã đi đúng hướng, đảm bảo nguồn thu đến từ tất cả các phân khúc theo định hướng HĐQT đặt ra", ông Vinh nhấn mạnh.

Nhìn tổng thể trong 10 năm qua, tổng tài sản của VPBank tăng trưởng gấp 7 lần, vốn chủ sở hữu tăng 10 lần; dư nợ cấp tín dụng (tăng 13 lần). 

Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động Top đầu thị trường, ghi nhận mức tăng trưởng tới 30 lần trong 10 năm và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 20 lần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Vinh cũng nhìn nhận, VPBank chưa phải là ngân hàng lớn nhất trên thị trường về tổng tài sản, nhưng đang dẫn đầu ở nhiều chỉ số hiệu quả, có mô hình kinh doanh đa dạng, bao phủ phân khúc khách hàng có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. 

Cơ hội của VPBank trong việc phát triển ở các phân khúc này đảm bảo cho VPBank an toàn, thay vì chỉ tập trung vào những khách hàng có lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn. Việc đa dạng hoá và kiểm soát hoạt động an toàn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng.

Mục tiêu năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020.

Trong quý đầu năm, VPBank báo lãi 4.006 tỷ đồng trước thuế và lợi nhuận sau thuế là 3.201 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Lộ diện cơ cấu sở hữu vốn góp tại FE Credit

Đề cập tới "gà đẻ trứng vàng" FE Credit, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh thông tin, tín dụng tiêu dùng tiếp tục duy trì sức mạnh với hơn 50% thị phần.

Dù chịu tác động của Covid-19, nhưng so với đối thủ mức độ ảnh hưởng của Covis-19 đối với FE Credit ở mức thấp nhất – theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Đóng góp nguồn thu của FE Credit những năm qua khoảng 40%, năm 2020 tiếp tục đóng góp quan trọng, tỷ lệ đóng góp khoảng 30%.

Chủ tịch VPBank: Vốn chủ sở hữu có thể đạt 90.000 tỷ, nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Cổ đông tham dự ĐHĐCĐ VPBank thường niên 2021

Tại ĐHĐCĐ, VPBank đã trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMBC CF - Nhà đầu tư Nhật Bản và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ FE Credit cho Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thanh Phượng. 

Như vậy, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại FE Credit. Dù vậy, sau giao dịch, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank.

Trong ngày hôm qua (28/4), VPBank cũng đã tổ chức lễ ký thoả thuận bán 49% vốn FE Credit cho SMBC. Được biết, giá trị thương vụ đạt gần 1,4 tỷ USD với định giá FE Credit 2,8 tỷ USD.

HĐQT trình cổ đông thống nhất với quyết định của HĐQT và tiếp tục giao, uỷ quyền cho HĐQT quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng vốn góp của VPBank tại FE Credit.

Trả lời cổ đông về việc bán 49% cổ phần FE Credit có ảnh hưởng đến kế hoạch năm 2021 của VPBank hay không?. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh một lần nữa khẳng định, sau khi bán vốn, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank, VPBank vẫn tiếp hạch toán và có trách nhiệm cùng đối tác xây dựng chiến lược để phát triển FE Credit.

"Bán vốn của VPBank tại FE Credit không phải "bỏ đi gà đẻ trúng vàng" mà chúng ta tìm đối tác để đem lại giá trị tốt hơn. 

"Miếng bánh" của VPBank tại FE Credit có thể giảm sau khi bán vốn nhưng mong muốn của ban lãnh đạo ngân hàng, những giá trị mang lại trong tương lai sẽ cao hơn so với VPBank tự làm", ông Vinh nói và dự báo, lợi nhuận năm 2021 thu được từ FE Credit có thể giảm hoặc không tăng nhưng về lâu dài kỳ vọng sẽ tăng.

Liên quan đến FE Credit, Chủ tịch Ngô Chí Dũng bổ sung thêm, trong kế hoạch của VPBank có đề ra 2 phương án, thứ nhất đó là IPO đối với FE Credit. Phương án 2 đó là, chọn cổ đông chiến lược. 

Trong 2 phương án, theo chia sẻ của ông Dũng phương án IPO, FE Credit có thể bán được với giá cao hơn. 

"1 số nhà tư vấn cả trong nước và quốc tế về thương vụ bán vốn góp này, đều cho biết có thể bán được gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố, chúng tôi vẫn lựa chọn phương án chọn cổ đông chiến lược nước ngoài - ở đây là SMBC", ông Dũng nhấn ạnh.

Việc lựa chọn SMBC, theo Chủ tịch VPBank là do tập đoàn này là 1 trong 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản, tổng tài sản 2.100 tỷ USD. Công ty đứng ra mua là công ty có thị phần lớn nhất và lâu đời nhất về tài chính tiêu dùng.

Đúc rút các mục tiêu và quá trình làm việc, ban lãnh đạo VPBank tin tưởng đối tác SMBC. Chọn đối tác SMBC đồng hành của VPBank sẽ phát triển FE Credit lên tầm cao mới - Đó là kỳ vọng của VPBank khi chọn SMBC, theo ông Dũng.

Vốn chủ sở hữu VPBank có thể đạt 90.000 tỷ cuối năm, dự kiến nâng vốn điều lệ lên tối thiếu 75.000 tỷ đồng

Chia sẻ về các nguồn thu của VPBank trong năm 2021, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank dự kiến sẽ có 3 nguồn thu đó là lợi nhuận năm 2021, thu từ bán FE Credit và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021. 

"Với các nguồn thu này, cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ. Cuối năm, chúng tôi sẽ đề xuất ĐHĐCĐ nâng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu lên tối thiếu khoảng 75.000 tỷ đồng", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Ngô Chí Dũng, hiện VPBank đang nắm giữ khoảng 75 triệu cổ phiếu quỹ, nếu bán ở thời điểm hiện tại, VPBank sẽ thu về khoảng 4.000 tỷ, thặng dư sau khi trừ giá vốn khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kế hoạch ngân hàng nâng room ngoại lên mức tối đa vào cuối năm. Nếu đạt được thỏa thuận, chúng ta vừa phát hành cổ phiếu mới, vừa bán 75 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn, thay vì bán ở thời điểm hiện tại để ghi nhận thêm 2.500 tỷ vào lợi nhuận năm nay nhưng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem