Vụ bằng giả Đại học Đông Đô: Sao trường mua được phôi bằng từ Bộ Giáo dục?
Vụ bằng giả Đại học Đông Đô: Vì sao trường mua được phôi bằng từ Bộ Giáo dục?
Phạm Hiệp
Thứ sáu, ngày 30/07/2021 18:13 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô, Cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã hợp thức hóa hồ sơ để đề nghị mua phôi bằng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các bị cáo bị truy tố gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, cựu Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (SN 1978, cựu Phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (SN 1978, Phó Hiệu trưởng);
Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên); Phạm Vân Thùy (SN 1981, cán bộ trường); Lê Thị Thanh Tâm (SN 1983, cán bộ trường); Nguyễn Thị Huệ (SN 1986, cựu Trưởng phòng Tài chính - kế toán); Nguyễn Thị Ngọc Thái (SN 1988, cán bộ); Ngô Quang Hiển (SN 1978, cán bộ) và Lê Thị Lương (SN 1996, cán bộ).
Trong đó, Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ, Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái bị truy tố tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 359, Bộ luật Hình sự.
2 bị can còn lại là Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển bị truy tố tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 359 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan truy tố xác định, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô (hiện đang bỏ trốn, bị truy nã) và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Về biện pháp tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu sung Ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính trong vụ án là hơn 7,1 tỷ đồng. Buộc Trường Đại học Đông Đô và các bị can hưởng lợi bất chính số tiền trên nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Chiêu trò hợp thức để xin mua phôi bằng
Để có phôi in văn bằng giả, tháng 10/2018, Trần Kim Oanh đã chỉ đạo Quang hợp thức hóa bằng cách làm các văn bản để Hòa ký.
Các văn bản gồm quyết định số 442, ngày 19/10/2015 công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ 2 năm 2015, có 468 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh; công văn số 769 ngày 31/10/2018 và công văn số 851 ngày 28/11/2018 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị mua phôi bằng để in bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, hệ văn bằng 2 chính quy.
Trong tổng số 429 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng giả và 2 trường hợp được cấp giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra đã triệu tập, lấy lời khai 210 trường hợp.
Trong đó, 208 văn bằng giả do Hòa ký, Quang ký nháy trên 65 văn bằng. Cơ quan điều tra đã thu giữ 130 văn bằng giả, 110 bản phô tô văn bằng giả, 54 trường hợp đã làm mất hoặc tự tiêu hủy nên không thu giữ được, còn lại 24 trường hợp chưa nhận bằng.
Còn 2 giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học tập hệ văn bằng 2 Tiếng Anh do Quang ký. Trong 96 bảng điểm khóa học đã thu giữ, Quang ký 85 bảng điểm, Hà ký 11 bảng điểm.
Mặt khác, trong số 431 trường hợp được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô thu tiền của 347 người, với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Số tiền này đã được nhập chung vào quỹ của Trường.
Đáng chú ý, tháng 4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường Đại học Đông Đô giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh.
Để che giấu hành vi sai phạm, Dương Văn Hòa đã ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy về việc cấp bằng cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.
Trần Khắc Hùng và Trần Kim Oanh đã chỉ đạo Thái sử dụng các tờ giấy A4 đã đóng dấu "Trường Đại học dân lập Đông Đô" làm quyết định số 509 ngày 30/12/2015, về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ 2 năm 2015, kèm danh sách 382 học viên trúng tuyển do Thùy lập.
Tiếp theo là quyết định số 315 ngày 15/9/2016 về việc công nhận trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ 2 năm 2016 kèm danh sách 47 cá nhân trúng tuyển, gửi mai cho Phạm Thị Hoa – cán bộ Vụ Giáo dục Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan điều tra xác định, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ 2, nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho trường.
Đồng thời, Vụ Giáo dục Đại học xét duyệt đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ đề án tuyển sinh năm 2017, 2019, 2019 có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy.
Đáng chú ý, năm 2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra nhưng không phát hiện việc Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
Cơ quan điều tra kết luận, việc làm của các đơn vị, cá nhân nêu trên đã vi phạm quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.