Vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội: Chính quyền quận Cầu Giấy phải chịu trách nhiệm?
Vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội: Chính quyền quận Cầu Giấy phải chịu trách nhiệm?
Thành An - Sông Bùi
Thứ tư, ngày 03/08/2022 14:34 PM (GMT+7)
Trước vụ cháy quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa nghiêm trọng khiến 3 cán bộ chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền quận Cầu Giấy, chủ cơ sở kinh doanh.
Những ngày vừa qua, dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng, xót thương trước sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa).
Đây không phải là lần đầu tiên tại quận Cầu Giấy xảy ra vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vào năm 2016, tại phường Dịch Vọng Hậu cũng từng xảy ra vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông khiến 13 người chết, 4 ngôi nhà bị cháy và rất nhiều thiệt hại về tài sản khác.
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy sau vụ cháy: Quán karaoke được Phòng Kinh tế quận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 1/2013. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy Trung, sinh năm 1978.
Đến tháng 4/2013, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho cơ sở ISIS. Cuối tháng 8/2013, Công an quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quán karaoke này đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau đó, ông Nguyễn Duy Trung đã ủy quyền cho ông Phạm Duy Hùng để quản lý hoạt động kinh doanh tại quán karaoke ISIS trong thời hạn 10 năm.
Theo nội dung báo cáo, trước khi xảy ra vụ cháy, quán Karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ. Nội dung báo cáo chưa nêu về mốc thời gian quán karaoke ISIS bị dừng hoạt động.
Theo đó, dư luận nêu vấn đề: Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa và cơ sở kinh doanh quán karaoke chịu trách nhiệm gì khi liên tiếp xảy ra những vụ cháy thương tâm?.
Nhanh chóng làm rõ nguyên nhân
Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần phải làm rõ, thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke đang hoạt động kinh doanh hay ngừng kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đang hoạt động, chủ cơ sở không tuân thủ phòng cháy chữa cháy... dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây chết người thì căn cứ vào điều 313 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với việc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người khác thì người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vụ cháy làm chết 3 người trở lên, chế tài sẽ ở mức cao nhất là phạt tù từ 7-12 năm với người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy
"Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định, vụ cháy xả ra không phải quá trình kinh doanh, chưa kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh mà vụ cháy xảy ra do quá trình thi công, sửa chữa do thợ hàn đã bất cẩn rơi xỉ hàn dẫn đến đám cháy, thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công", TS.LS Đặng Văn Cường nhận định.
Cũng theo ông Cường, trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công sửa chữa không tuân thủ đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hỏa hoạn xảy ra, gây chết người thì cơ quan chức năng cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định an toàn lao động. Hình phạt có thể cao nhất lên tới 12 năm tù.
Chính quyền sở tại có trách nhiệm gì?
Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, đạinbiểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ, sự việc xảy ra ở quán karaoke trên đường Quan Hoa là rất đáng tiếc và rất nghiêm trọng. Trách nhiệm ở đây ngoài sự chủ quan của các cơ sở kinh doanh, còn thuộc về chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục và xử lý.
"Tôi cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng còn sơ hở, công tác kiểm tra không được thường xuyên, hoặc có thì cũng qua loa, chưa cương quyết xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy", ông Hòa nói.
Ông Hòa nhấn mạnh, việc liên tiếp xảy ra những vụ cháy quán karaoke tại địa bàn quận Cầu Giấy là một vấn đề rất nghiêm trọng, đặc biệt. Những vụ việc này là một lời cảnh tỉnh cho quận Cầu Giấy và các địa phương khác về công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Để hạn chế những vụ hỏa hoạn, ông Hòa cho rằng các cơ sở kinh doanh cần có đầy đủ các phương tiện, điều kiện để phòng cháy.
"Thời gian qua có tình trạng du di những cơ sở sản xuất kinh doanh karaoke không đảm bảo về phòng cháy, cho nên dẫn đến tình trạng trên. Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, vi phạm 1 - 2 lần thì kiên quyết rút giấy phép kinh doanh, thậm chí nếu cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ mang tính phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh... sẽ hạn chế xảy ra những vụ việc thương tâm như thế", ông Hòa nói.
Có ý kiến về vụ việc, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên địa bàn quận Cầu Giấy những năm qua có nhiều vụ cháy, đặc biệt những vụ cháy liên quan đến quán karaoke.
Ông Nhưỡng cho rằng, đáng lẽ, sau vụ 13 người chết ở phố Trần Thái Tông, chính quyền địa phương phải rút kinh nghiệm về công tác cấp phép, công tác phòng cháy chữa cháy, nhưng dường như vấn đề này không được thực hiện một cách ráo riết. "Rõ ràng là có vấn đề liên quan đến công tác quản lý", ông nói.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề quản lý không chỉ riêng chính quyền mà còn liên quan đến đơn vị phòng cháy chữa cháy, chính việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát "không đến nơi đến chốn" nên mới xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc làm 3 chiến sĩ hy sinh.
"Trước đây thì 13 khách hàng tử vong, bây giờ thì lại làm 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh khi cháy quán karaoke. Vụ cháy này không phải vụ cháy quá lớn nhưng lại gây ra hậu quả đau lòng và vô cùng đáng tiếc như vậy thì người dân rất khó chấp nhận. Có lẽ, Hà Nội phải có những chấn chỉnh cụ thể hơn. Quốc hội cũng đã đề cập rất nhiều về công tác phòng cháy chữa cháy, có lẽ cũng phải xem lại vấn đề này để có những quy định, trách nhiệm cho rõ ràng, không thể xem nhẹ vấn đề này được", ông Nhưỡng bày tỏ.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương, ông Nhưỡng cho rằng phải xem lại toàn diện các quy trình, quy định. Người đứng đầu đương nhiên phải chịu trách nhiệm toàn diện, nhưng cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.