Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, ngày 29/10 Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) đang củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra vụ việc một người đàn ông mang quốc tịch Ấn Độ vận chuyển hơn 700 viên kim cương qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, lúc 9 giờ ngày 23/10, PC03 Công an TP.HCM phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Công an quận Tân Bình kiểm tra, phát hiện ông P.S.H. (quốc tịch Ấn Độ) nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa là kim cương.
Qua làm việc, ông P.S.H. đã thừa nhận toàn bộ hành vi như trên. Nếu vận chuyển trót lọt, số kim cương trên sẽ được bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam trên địa bàn TP.HCM nhằm thu lợi bất chính.
Kết quả kiểm tra ban đầu, xác định số hàng hóa do ông P.S.H. quốc tịch Ấn Độ vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương tự nhiên và nhân tạo, trị giá ước tính hàng chục tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xác minh, làm việc ban đầu và tài liệu chứng cứ thu thập, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đánh giá hành vi của ông P.S.H. có dấu hiệu của tội phạm Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, Điều 10, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy tờ hợp lệ và và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
Pháp luật Việt Nam quy định, lượng hàng hóa mang theo người, giá trị hàng hóa mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam, bởi vậy không phải người nhập cảnh vào Việt Nam muốn mang bao nhiêu hàng hóa cũng được mà sẽ phụ thuộc vào khối lượng, giá trị và bản chất pháp lý của từng loại hàng hóa.
Trong vụ việc trên, đối tượng buộc phải biết rõ hành vi vận chuyển kim cương vào Việt Nam với giá trị lớn phải khai báo với cơ quan chức năng tại cửa khẩu và phải có giấy tờ hợp lệ, nhưng vì lợi ích cá nhân, đối tượng vẫn cố ý thực hiện thực hiện hành vi phạm tội.
Phía cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, chứng minh số hàng hóa trên nhập khẩu không đúng thủ tục, trốn thuế nhưng vẫn cố ý vận chuyển trái phép qua biên giới để mang vào Việt Nam mua bán, sử dụng thì đây được xác định là hàng nhập lậu. Người thực hiện hành trên có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tùy thuộc vào hành vi cụ thể.
Nếu loại hàng hóa được xác định là vận chuyển trái phép có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì người này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp giá trị tài sản mà đối tượng vận chuyển trái phép vào Việt Nam như thông tin báo chí đưa tin, người vi phạm quy định có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cũng theo luật sư Huy, đối tượng phạm tội là công dân nước ngoài nên sau khi chấp hành xong hình phạt, đối tượng có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.