Vượt cả trăm cây số, sinh viên “phượt” xe máy về quê nghỉ lễ 2/9
Vượt cả trăm cây số, sinh viên “phượt” bằng xe máy về quê nghỉ lễ 2/9
Trung Hiếu - Thùy Anh
Chủ nhật, ngày 01/09/2024 09:22 AM (GMT+7)
Với lý do thời gian di chuyển linh hoạt, nhiều sinh viên học tập tại Hà Nội đã quyết định đi xe cá nhân hoặc tìm xe ghép để về quê nghỉ lễ 2/9 thay vì đi xe khách.
Về quê nghỉ lễ, nữ sinh "phượt" bằng xe máy hơn 120km ngay sau giờ làm thêm
Chị Bùi Quỳnh Mai - sinh viên năm 3 một trường đại học ở Hà Nội cho biết, chị chuẩn bị hành lý trên chiếc xe máy cá nhân để trở về quê nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Khởi hành tại Thủ đô từ lúc 17 giờ 30 phút ngay sau giờ tan làm hôm 31/8, chị Mai dự kiến đến hơn 21 giờ cùng ngày, chị có mặt ở nhà riêng tại thành phố Tuyên Quang.
Đôi tay tỉ mỉ chằng buộc chắc chắn các thùng xốp đựng vật dụng cá nhân vào phía sau yên xe, chị Mai chia sẻ: “Năm nay, tôi phải đi làm thêm một ngày đầu của kỳ nghỉ lễ nên không thể về quê từ sớm. Do chưa kịp đặt trước vé xe khách, tôi quyết định "phượt" bằng xe máy về quê ngay sau giờ tan làm. Quãng đường dài khoảng 120km, trên phần mềm định vị dự kiến thời gian di chuyển là 2 tiếng 30 phút, nhưng đây là lần đầu trải nghiệm nên tôi "trừ hao'" thêm cả thời gian lạc đường, nghỉ ngơi nữa”.
Nữ sinh viên 21 tuổi cho hay, bản thân chị không tránh khỏi cảm giác lo lắng: “Trước khi đi, tôi đã gọi điện thông báo với bố mẹ. Bố mẹ cũng tin tưởng nên đồng ý để tôi đi xe máy về nhà và đã dặn dò tôi rất nhiều điều, ví dụ như di chuyển thật chậm, chia quãng đường nghỉ ngơi hợp lý, hành lý gọn nhẹ… Dạo gần đây, tôi cũng thường di chuyển bằng xe máy tới các tỉnh xa nhưng đều vào ban ngày. Đây là lần đầu tiên tôi về quê bằng xe máy, lại đi vào buổi tối nên cũng hơi lo lắng một chút”.
Hít một hơi thật sâu, cô sinh viên năm 3 tâm sự: “Trên cả quãng đường thì có lẽ điều khiến tôi bận tâm nhất là khi đi qua đoạn đường đèo ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vì tôi được biết đó là khu vực có khá nhiều xe tải, xe đầu kéo di chuyển qua. Trước chuyến đi, tôi đã đổ xăng và đi ra tiệm kiểm tra xe máy cẩn thận nên cũng yên tâm hơn phần nào”.
Khi được hỏi về lý do chọn thời điểm sau giờ tan làm để di chuyển về quê, chị Mai đáp: “Tôi muốn tranh thủ về quê sớm nhất và lâu nhất có thể để tận hưởng kỳ nghỉ lễ bên gia đình. Hơn nữa, di chuyển vào khung giờ này khiến tôi cảm giác có vẻ tiết kiệm được thời gian hơn so với đi vào ban ngày. Nếu đi buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, tôi sẽ cảm thấy ngày hôm đó mình không làm được gì nhiều vì đã tốn nửa ngày để di chuyển”.
“Nếu lần này cảm thấy đi đường thuận lợi, những lần sau về quê tôi sẽ lại tiếp tục đi bằng xe máy. Chỉ cần cẩn thận, tập trung lái xe, tôi cho rằng việc di chuyển bằng phương tiện này có rất nhiều lợi ích, ví dụ như giúp tôi chủ động công việc, tiết kiệm chi phí và có thể đi vào bất cứ lúc nào tôi muốn”, chị Mai nói thêm.
Sinh viên chấp nhận đi xe ghép dù giá đắt gấp đôi xe khách để về quê nghỉ lễ
Do bận việc riêng nên chị Lê Quế Anh (21 tuổi, quê Thanh Hóa) - sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cố nán lại Thủ đô 1 ngày đầu kỳ nghỉ lễ để giải quyết công việc. Chị Anh lựa chọn trở về quê vào sáng ngày 1/9.
“Tôi không biết trước khi nào làm xong việc để về nên không thể đặt trước chỗ trên xe khách được. Chưa kể, nếu di chuyển bằng xe khách, tôi phải tốn thêm tiền đi xe ôm hoặc bắt taxi từ nhà trọ ra bến xe. Về đến quê rồi cũng chỉ được trả ở tuyến cố định, lại phải bắt xe chở người và đồ về hoặc gọi người nhà ra đón, tôi thấy khá là bất tiện”, chị Anh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Anh cho biết, chị quyết định đăng bài tìm xe tiện chuyến trong một nhóm tìm xe ghép Hà Nội - Thanh Hóa trên mạng xã hội. “Tôi di chuyển một mình nên tìm xe tiện chuyến thay vì thuê nguyên xe. Chỉ sau 15 phút đăng bài, tôi đã được một chủ phương tiện nhận chở khách tiện chuyến, lái xe lấy 500.000 đồng cho một ghế, giá này đắt gấp đôi xe khách nhưng tôi hài lòng và đã thỏa thuận giờ đón, điểm đón với chủ xe”.
Chuẩn bị đồ đạc, hành lý, quà cáp cho lần về quê nghỉ lễ, chị Anh nhấn mạnh: “Một trong những lý do khiến tôi chọn tìm xe tiện chuyến là vì lần này về quê tôi mang theo rất nhiều đồ. Tôi sẽ được đón - trả tận nhà nên rất yên tâm. Trước khi lên xe, tôi cũng sẽ chụp ảnh, ghi lại biển số xe và gửi cho người thân để yên tâm di chuyển”.
Anh Nguyễn Văn Cường (41 tuổi) - một chủ phương tiện chở khách tiện chuyến cho hay: “Thông thường, mỗi lần đi từ Hà Nội về quê hoặc ngược lại là chiếc xe 5 chỗ của tôi chỉ chở người nhà, gồm hai vợ chồng và 2 con nhỏ. Tôi cũng tham gia nhóm tìm xe ghép, xe tiện chuyến trên mạng xã hội nên thi thoảng, nếu có người có nhu cầu di chuyển tương ứng với lịch trình của gia đình, tôi sẽ nhận thêm khách để có thêm chút chi phí trả tiền xăng xe, đằng nào xe cũng thừa chỗ mà lại có thêm người nói chuyện thì thêm vui”.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định rằng, loại hình xe ghép, xe tiện chuyến vốn đang được nhiều người ưa chuộng vì tính tiện lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. “Họ có thể được đưa đón tận nơi, thời gian di chuyển nhanh, giá cả thương lượng. Tuy nhiên, khách khi di chuyển bằng xe ghép cần lưu ý chọn các xe đảm bảo an toàn, lái xe có tay nghề và đặc biệt cần trao đổi thật kỹ các thông tin về giá cả, tuyến đường đi trước khi lựa chọn", chuyên gia khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.