Xác định thời gian phê duyệt dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Xác định thời gian phê duyệt dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thế Anh
Thứ năm, ngày 25/01/2024 16:37 PM (GMT+7)
Trong năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc; phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trình phê duyệt dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã ban hành kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán để khởi công các dự án theo kế hoạch trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, nhất là các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Với vai trò là cơ quan chủ quản nhiều dự án, Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng Quốc gia như các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án thành phần 2 các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào Cảng Cái Mép - Thị Vải, Cảng Nam Nghi Sơn.
Trong năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc; phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền, các địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng.
Cụ thể, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương; đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa -Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cùng với đó, Bộ GTVT sớm đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Giải ngân vốn là nhiệm vụ quan trọng
Xác định giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ quan trọng của năm 2024, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ngay từ đầu năm; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án hoàn thành; kịp thời điều hòa, điều chỉnh từ các dự án giải ngân chậm, các dự án không có nhu cầu giải ngân sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu.
Khẳng định tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; Bộ GTVT tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; đẩy mạnh huy động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương án huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Với công tác vận tải, tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, tập trung kiểm soát phương tiện từ khâu xếp hàng, đón khách nhằm ngăn chặn các vi phạm từ gốc; giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ…
Cơ quan này cam kết nghiên cứu mở các đường bay nội địa và quốc tế mới; tăng cường điều phối hợp lý các lượt cất, hạ cánh (slot) tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là các Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sân Nhất, Nội Bài; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến.
Song song với việc triển khai kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội, Bộ GTVT tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu, giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải sắt.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ xây dựng, ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu, triển khai các giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.
Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Công an, Y tế và bộ, ngành liên quan trong việc quản lý, giám sát, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.