"Con cưng" Nghi Sơn và chuỗi tăng giá xăng dầu liên tiếp

An Linh Thứ bảy, ngày 14/05/2022 08:25 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp khi nền kinh tế vừa bắt nhịp vào đà sau đại dịch. Bài toán chủ động cung ứng, bình ổn giá xăng trong nước vẫn gặp phải khó khăn lớn khi "con cưng" được biệt đãi là lọc hoá dầu Nghi Sơn vẫn còn đó nhiều nỗi lo.
Bình luận 0

Giá dầu thô thế giới có phải nguyên nhân tăng giá xăng dầu trong nước?

Ngay sau khi xăng dầu trong nước có chuỗi ngày tăng mạnh, dư luận đã đặt câu hỏi giá xăng dầu trong nước tăng có phải do áp lực giá dầu thô trên thế giới và nhiều người đã tìm thấy dữ liệu, giá dầu thô thế giới không đạt đỉnh như hồi tháng 3 (mức tương đương 115 - cao nhất là 130 USD/thùng), loại dầu Brent.

Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu cũng vừa được giảm 2.000 đồng/lít, điều này cũng tác động giúp giảm giá xăng. Quỹ bình ổn cũng chi lớn song không thể cản được giá xăng dầu tăng mạnh.

"Con cưng" Nghi Sơn và chuỗi tăng giá xăng dầu liên tiếp - Ảnh 1.

Xăng dầu trong nước tăng 3 lần liên tiếp sau các phiên điều chỉnh gần nhất, gây lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ảnh: CTV

Từ đầu tháng 5 cho đến ngày 12/5, giá dầu Brent neo ở mức 107 USD/thùng đến 115 USD/thùng, vẫn chưa đạt mức đỉnh như hồi tháng 3. Như vậy, tại sao giá dầu thô không tăng cao, nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng dữ dội?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ Công Thương lý giải, giá xăng dầu trong nước không dựa vào giá dầu thô thế giới mà phụ thuộc vào giá xăng dầu thành phẩm qua quá trình lọc của đối tác cung cấp xăng dầu từ các nước khác, trong đó chủ yếu là từ Singapore.

Bộ Công Thương khẳng định, giá xăng dầu trong nước vừa chịu tác động từ xung đột chính trị giữa phương Tây và Nga. Trong khi đó, trong quý I, sản lượng xăng dầu của Nghi Sơn vẫn thiếu hụt do vấn đề nội tại của doanh nghiệp này.

"Con cưng" Nghi Sơn và vấn đề nội tại của ngành xăng dầu

Xăng dầu trong nước tăng giá chuỗi ngày qua có yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, vấn đề nội tại của ngành xăng dầu trong nước vẫn là nguyên nhân trực tiếp. Đó là do bất cân đối giữa cung cầu, xuất nhập dầu thô và vấn đề của lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Về cung cầu, để đảm bảo cho sản phẩm của Nghi Sơn được bao tiêu toàn bộ trên thị trường, các đầu mối xăng dầu không có nhiều đất diễn, lượng nhập bị giới hạn. Chỉ đến khi xăng dầu Nghi Sơn không đủ nguồn cung, gặp quá nhiều vấn đề, Bộ Công Thương mới gấp rút giao cho 10 đầu mối xăng dầu nhập khẩu, tăng lượng nhập để bù đắp thiếu hụt mà "con cưng" Nghi Sơn gây nên.

Vấn đề thứ 2 là xuất và nhập dầu thô, bài toán lợi ích và tác động chính sách này. Theo PVN và Bộ Công Thương, thời gian qua Việt Nam nhập dầu thô khá lớn, năm 2020 là hơn 11 triệu tấn, năm 2021 là gần 10 triệu tấn. Trong khi đó, lượng dầu thô xuất đi cũng là 3,1 triệu tấn.

Lượng dầu thô nhập về chủ yếu từ Trung Đông, giá trị thấp, phục vụ cho Nghi Sơn, một phần cho Dung Quất để hoá dầu phục vụ xăng dầu trong nước. Trong khi đó, lượng dầu thô trong nước khai thác ngày càng ít do trữ lượng giảm sút, chiến lược thay đổi. Dầu thô xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là loại dầu ngọt, giá trị kinh tế và hiệu quả cao đã được PVN và Bộ Công Thương báo cáo, giải trình.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc nhập dầu thô về để phục vụ các nhà máy lọc hoá dầu trong nước, do khó khăn tài chính và vấn đề cân đối của mình. Lọc hoá dầu Nghi Sơn luôn "kêu" khó khăn mỗi khi dầu thô trên thế giới tăng cao, PVN phải bù lỗ, nhiều thời điểm hoạt động của nhà máy này đặt ở thế tạm ngưng, dừng do bài toán kinh tế, hiệu quả.

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN nắm giữ 25,1% vốn, Công ty Dầu hỏa Kuwait Quốc tế (KPI) nắm 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan (IKC) nắm 35,1% vốn và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) nắm 4,7% vốn. Lọc hoá dầu Nghi Sơn được xây dựng nằm trong kế hoạch cung ứng từ 35 đến 40% tổng lượng xăng dầu tiêu thụ của Việt Nam, và sản phẩm được tiêu thụ 100% ở Việt Nam.

Theo thoả thuận giữa PVN và các nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, cộng thêm với thuế nhập khẩu 7%, và 3% đối với các sản phẩm hoá dầu khác (benzen, Polypropylen…).

Cam kết của PVN cho Nghi Sơn bán sản phẩm theo giá thế giới, chính vì vậy cộng thêm với thuế nhập khẩu đối với mỗi đơn vị xăng dầu, giá xăng dầu tại Nghi Sơn không hề rẻ so với xăng dầu nhập khẩu hoặc xăng dầu do Dung Quất bán ra.

Vấn đề bao tiêu xăng dầu của Nghi Sơn được xem là không tạo ra áp lực cạnh tranh cải tiến chất lượng và khâu phân phối cho Nghi Sơn. Trong khi đó Việt Nam hiện đang thực hiện giảm thuế, miễn thuế nhập khẩu xăng dầu với nhiều đối tác lớn, trong đó có Hàn Quốc, ASEAN.

Hiệu quả từ chính sách bao tiêu sản phẩm, trong khi đó năng lực tài chính bất ổn khiến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đứt nguồn cung, khủng hoảng nguồn cung khiến cho cung ứng xăng dầu trong nước gặp vấn đề.

Theo một số chuyên gia, việc giá dầu thô thế giới tăng cao, Nghi Sơn kêu khó khăn về tài chính và dừng hoạt động là rất khó chấp nhận vì điều này đe dọa an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã tạo rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp này.

Để đảm bảo nguồn cung, các doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài bởi nếu thị trường biến động hoặc các nhà máy lọc dầu trong nước giao hàng không theo kế hoạch, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có thể gánh hậu quả lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem