Xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm: Tranh luận nảy lửa tại tòa

Quang Phương Thứ hai, ngày 21/12/2020 11:19 AM (GMT+7)
Ngày 21/12, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương, liên quan ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ) và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát (VKS).
Bình luận 0

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, một lần nữa khẳng định bị cáo Đinh La Thăng không phạm tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trong khi đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói:  "Các vị công tố đang áp dụng suy đoán để luận tội. Thân chủ tôi nói quy chụp, suy diễn là không sai". Bị cáo Thăng khai biết bị cáo Hệ năm 2013, khi bị cáo Hệ lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm việc. Tại phiên tòa, ông Thăng khai biết Hệ là mối quan hệ xã hội như bao nhiêu người khác. 

"Cáo trạng buộc bị cáo Thăng biết ông Hệ ngay sau khi có chủ trương dự án (năm 2012) là sai. Tài liệu điều tra cho thấy ông Thăng và ông Hệ đã liên lạc với nhau 22 cuộc điện thoại, nhưng vào năm 2013. Nếu nói ông Thăng giới thiệu ông Hệ bằng mối quan hệ cá nhân thì phải chứng minh ông Thăng biết ông Hệ từ năm 2012. Rõ ràng cáo trạng đã quy chụp, cáo buộc"- luật sư Hướng phản biện.

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Gay cấn phần đối đáp bào chữa cho bị cáo Thăng - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa sáng ngày 21/12 . Ảnh: Quang Phương.

Từ đó, luật sư Hướng đề nghị: "Tôi đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) bác bỏ toàn bộ nội dung cáo buộc thân chủ tôi tác động xấu để bị cáo Hệ có được dự án này".

Tiếp lời, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: "Đại diện VKS sử dụng từ "ngoan cố" đối với các bị cáo là không được; bởi họ đang cố gắng chứng minh mình vô tội. Về trách nhiệm hình sự của bị cáo Thăng: cần phải chứng minh ông Thăng là đồng phạm hoặc xúi giục, giúp sức… 

Công tố viên nói ông Thăng giới thiệu ông Hệ với Tổng Công ty Cửu Long, nhưng lúc này chưa có dự án mua bán quyền thu phí, hành vi của ông Thăng tạo tiền đề để bị cáo Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng là không đúng".

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích về số tiền hơn 725 tỷ đồng là tài sản Nhà nước hay của Công ty Yên Khánh. 

Để minh chứng số tiền trên là của Công ty Yên Khánh, luật sư Hà đã đưa ra bằng chứng -  một văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT. Trong đó có nội dung: Về số thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, phí thu được từ các dịch vụ không do nhà nước đầu tư, hoặc do nhà nước đầu tư, nhưng đã giao cho tổ chức cá nhân, tư nhân hoạch toán, thanh toán, là doanh thu không thuộc ngân sách nhà nước. 

Tổ chức, cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được… và phải chịu thuế theo quy định của pháp luật. 

"Vậy số tiền hơn 725 tỷ đồng này là tài sản của Công ty Yên Khánh. Đề nghị nếu VKS không chứng minh được thân chủ tôi có tội thì hãy rút lại cáo buộc đã nêu" - luật sư Hà khẳng định.

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Gay cấn phần đối đáp bào chữa cho bị cáo Thăng - Ảnh 3.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại tòa - Ảnh: Quang Phương.

Luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) lại đưa ra một tài liệu khác liên quan đến trách nhiệm về việc hủy hợp đồng thu phí, nếu Công ty Yên Khánh chậm thanh toán theo hợp đồng, là trách nhiệm của Tổng Công ty Cửu Long (văn bản do một thứ trưởng Bộ GTVT ký năm 2019 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra). 

"Vậy tại sao lại quy trách nhiệm cho thân chủ của chúng tôi là bị cáo Thăng. Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho ông Đinh La Thăng?" - luật sư Doãn nói.

Bị cáo Đinh La Thăng đối chất: "Bị cáo hoàn toàn bác bỏ cáo buộc mà cáo trạng VKS đã buộc tội. Đó là hoàn toàn suy diễn. Đề nghị VKS làm rõ: Vai trò chính của bị cáo là vai trò gì ? Vai trò phụ thuộc về ai ? Quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong vụ án này là ai ? Đại diện VKS đã có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản. 

Quyền sở hữu tài sản vẫn là nhà Nước. Quyền sử dụng tài sản là của Công ty Yên Khánh (nhà đầu tư). Đây là dự án mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT bán quyền thu phí, nên không thể không thực hiện, không thể thích bán là bán, nó không phải là miếng mồi béo bở gì. 

Đề nghị trưng cầu giám định số tiền hơn 725 tỷ đồng là của ai? Việc nào sai thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Đề nghị đại diện VKS chứng minh cho bị cáo biết Công ty Yên Khánh làm ăn thua lỗ như VKS đã kết luận".

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Gay cấn phần đối đáp bào chữa cho bị cáo Thăng - Ảnh 4.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa - Ảnh: Quang Phương.

Phản hồi lại các chất vấn trên, đại diện VKS tại phiên tòa phát biểu: "Chúng tôi đã đưa ra những chứng cứ khẳng định mối quan hệ giữa ông Thăng và ông Hệ, cũng như vai trò của bị cáo Thăng trong vụ án này". 

Bị cáo Thăng đã tự khai với Cơ quan điều tra là đã giao cho các thứ trưởng thực hiện dự án này. Quá trình thực hiện dự án, các thứ trưởng đều có gửi văn bản báo cáo Bộ trưởng". 

Đại diện VKS khẳng định: "Cáo trạng khẳng định bị cáo Thăng nắm được toàn bộ dự án chuyển giao quyền thu phí là hoàn toàn có căn cứ. Việc truy tố, xét xử bị cáo Đinh La Thăng là có căn cứ. Bị cáo Thăng đã để các mối quan hệ xã hội lấn sâu vào công việc, vào nhiều dự án của nhà nước gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. VKS quyết định bảo lưu quan điểm như đã công bố trong cáo trạng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem