Yên Bái: Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Văn Chấn dựa trên tự nguyện, dân chủ
Yên Bái: Huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới ở Văn Chấn dựa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ hai, ngày 20/11/2023 05:41 AM (GMT+7)
Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả và đi vào chiều sâu thực tiễn cuộc sống, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái xác định cần tận dụng và phát huy mọi nguồn lực trên tinh thần tự nguyện, dân chủ.
Bước chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới
Sau 11 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng quê trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có nhiều đổi khác. Đời sống và thu nhập của người dân cũng ngày càng khởi sắc.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đối với xây dựng nông thôn mới, ngay từ khi thực hiện chương trình huyện đã quan tâm, chú trọng và triển khai phổ biến đến cán bộ, đảng viên, người dân để từng bước hiểu rõ hơn về chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với các hình thức tuyên truyền được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên toàn huyện đã giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân... qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động, từ đó đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với chương trình xây dựng nông thôn mới qua các năm.
Đến hết năm 2022, huyện Văn Chấn có 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 thôn được công nhận thôn nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025 toàn huyện sẽ xây dựng 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng phát triển các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đến nay, toàn huyện có 21/21 xã có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông và internet; có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông với 116 Trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) duy trì hoạt động ổn định. Mạng internet đã phủ sóng đến 100% địa bàn các xã, thị trấn trong huyện. Có 21/21 xã sử dụng 4/4 phần mềm ứng dụng theo quy định (Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Hệ thống thư điện tử chính thức của cơ quan nhà nước; Hệ thống một cửa điện tử và Trang thông tin điện tử); 100% các xã có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến/tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt từ 30% trở lên.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần ổn định đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách và dân cư nông thôn.
Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm nghèo đối với các xã; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo có địa chỉ cụ thể đến hộ và có giải pháp giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Huy động lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để giảm nghèo bền vững; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về tín dụng, đất đai, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm nghèo, vận động truyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính tự lực hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo.
Qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều, đến nay, toàn huyện có 4.959 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 16,07%) và 1.981 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 6,42%).
Văn Chấn đang duy trì 24/24 xã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 2; trong đó 14 đơn vị đạt mức độ 3; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 1; 22/24 xã đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.
Huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho người dân nông thôn bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo đối với các bậc học, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị giảng dạy, đặc biệt quan tâm đối với các cơ sở giáo dục của huyện.
Năm 2022, có 35/65 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 5 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và 3 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 được công nhận mới năm 2022. Toàn huyện có 16/24 xã đạt "Tiêu chí quốc gia về y tế". Trong đó công nhận mới 2 xã đạt "Tiêu chí quốc gia về y tế".
Cùng với đó, huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.
"Là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng như nguồn nước suối dồi dào, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, thời gian qua bà con trong thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã tận dụng lợi thế để đầu tư làm du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan", bà Hà Thị Nhung – Trưởng thôn Noong Tài chia sẻ.
Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự hiệu quả, địa phương đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn.
Trong đó, huy động nguồn lực từ sự tham gia đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các hộ sản xuất bao gồm kinh phí thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới do nhân dân tự làm, không có sự hỗ trợ của nhà nước như các tiêu chí về Y tế, tham gia bảo hiểm Y tế; tiêu chí thu nhập; môi trường … tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, hiến đất giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi.
Huy động vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cộng đồng dân cư và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện, bàn bạc dân chủ.
Ông Bùi Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch cho hay: Đối với địa bàn xã có 57% là đồng bào dân tộc Tày, do đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông nông thôn cần sự đóng góp rất lớn của bà con nhân dân. Nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động, bà con nhân dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng các tuyến đường bê tông giúp cho việc đi lại của bà con được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Bà Đặng Thị Kim (Thôn Bằng Là 2, xã Đại Lịch) hồ hởi cho biết: Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mà đời sống của bà con có nhiều đổi khác.
Trước đây, con đường dẫn từ trục chính của xã vào các hộ dân trong đó có gia đình bà rất khó khăn, lầy lội. Từ khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông, các hộ dân đã tự nguyện vay mượn để đóng góp, đối ứng, hộ nhiều nhất khoảng 50 triệu, hộ ít cũng khoảng 20 triệu. "Đến nay có con đường đi lại sạch, đẹp bà con chúng tôi hết sức phấn khởi", bà Kim bày tỏ.
Có thể thấy, từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực tế cuộc sống đã giúp thay đổi rất lớn tư duy, nhận thức của người dân nơi đây. Với sự vào cuộc và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng lòng, góp sức của nhân dân sẽ là điều kiện tiên quyết để huyện Văn Chấn thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.