HTX Đại Hiệp - “bà đỡ” mát tay cho nông dân

Trần Hậu - Trương Hồng Thứ tư, ngày 19/04/2017 09:00 AM (GMT+7)
Sau mấy chục năm hoạt động theo mô hình cũ, đến năm 2015, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (HTX Đại Hiệp), ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, đã tái cơ cấu và chuyển dần hoạt động sang hướng mới, ngày càng phát huy hiệu quả.
Bình luận 0

“Bao sân” nhiều lĩnh vực

Ông Phạm Thành Sự – Giám đốc HTX Đại Hiệp cho biết, hiện nay, các dịch vụ chủ yếu của HTX là tổ chức hướng dẫn sản xuất, làm công tác khuyến nông; sản xuất và tiêu thụ giống lúa, sản phẩm nông nghiệp; dịch vụ thủy lợi; cung ứng vật tư; bảo vệ thực vật; kinh doanh điện; thu hoạch… Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất gạch tuynen và xây dựng hiện là dịch vụ chính của HTX đêm lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tất cả dịch vụ từ cơ giới hóa, làm đất, thủy lợi, cung ứng phân bón trả chậm, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại cho tới khâu thu hoạch đều được HTX đứng ra “bao sân”.

img

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ làm “bà đỡ”cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, HTX Đại Hiệp còn tham gia sản xuất gạch tuynen và xây dựng. Ảnh: Đ.N

Với hoạt động ngành nghề kinh doanh tổng hợp hàng năm đã đem lại mức doanh thu đạt bình quân đạt 15-20 tỷ đồng/năm cho HTX, lợi nhuận sau thuế trên 600 triệu đồng, giải quyết được 150 lao động thường xuyên có việc làm...

Đặc biệt, hiện nay với diện tích trên 500ha đất lúa của xã, HTX đảm nhận dịch vụ đối với 350ha sản xuất lúa thương phẩm, 150ha sản xuất lúa giống cấp 1 theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Máy móc phục vụ sản xuất được đầu tư mạnh với 12 máy gặt đập liên hợp, 32 máy cày. HTX đảm nhận dịch vụ cơ giới hóa làm đất, thu hoạch trọn gói hơn 800ha đất. Xã viên còn tham gia sản xuất 100ha trồng cây ăn quả và 50ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Công tác chuyển đổi cây trồng cũng được chú trọng, hàng năm diện tích chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang cây màu có giá trị kinh tế cao và cho giá trị đạt 100 triệu đồng/ha.

“Ngoài việc liên doanh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, thủy lợi hóa đất màu, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con… ” -  ông Sự chia sẻ.

Năng động và hiệu quả

Bên cạnh các dịch vụ làm “bà đỡ” cho bà con nhân dân và góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM thành công cho xã Đại Hiệp, việc kinh doanh lưới điện nông thôn từ năm 1999 vẫn được HTX duy trì và phát triển tốt. Từ 2012-2016, HTX đã đầu tư 18km đường dây hạ thế ở các trục đường thôn xóm và các khu vực... Bên cạnh đó, để mở rộng ngành nghề kinh doanh, năm 2013, HTX đã đầu tư xây dựng xưởng may tại địa phương, giải quyết được 50 lao động nữ, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng...

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Thành Sự cho biết thêm, Đại Hiệp là địa phương có truyền thống sản xuất gạch xây dựng, có vùng nguyên liệu đất sét dồi dào và chất lượng. Xác định đây là một lợi thế, từ năm 2004, đơn vị chuyển sang đầu tư gạch bán tuynen. Đến đầu năm 2010, đơn vị chuyển qua đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel chuyên nghiệp, với công xuất 10 - 15 triệu viên/năm, tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Sản phẩm gạch của HTX được đối tác trong và ngoài huyện đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó doanh thu hàng năm đều tăng lên đáng kể, bình quân mỗi năm đạt từ 8 - 10 tỷ đồng. Hiện nhà máy giải quyết việc làm cho hơn 80 lao động thường xuyên, với mức lương từ 4 – 4,5 đồng/người/tháng. Doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ kinh doanh xây dựng mỗi năm đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương.

Với những thành tích đạt được trong hơn 30 năm hoạt động, HTX Đại Hiệp đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem