Chủ tịch Lại Xuân Môn thăm vườn trồng tiêu sạch ở huyện Lộc Ninh
Mít sạch, tiêu sạch bán chạy
Mô hình đầu tiên mà Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác đến thăm là của ông Trần Minh Chánh (ấp 6, Lộc Hòa, Lộc Ninh). Với 24ha diện tích đất, những năm qua ông Chánh chỉ chuyên canh mít và tiêu sạch. Hiện, mỗi năm ông Chánh bán khoảng 400 tấn mít và 15 tấn tiêu sạch. “Tôi hoàn toàn canh tác sinh học. Những năm gần nhu cầu thị trường cần nông sản sạch là khá lớn. Thương lái vào tận vườn giành mua trái cây của tôi”, ông Chánh chia sẻ với Chủ tịch Lại Xuân Môn.
Gần vườn nhà ông Chánh là khu vườn trái cây 20 ha của anh Phạm Quốc Thanh. Hiện, trong vườn ông Thanh trồng bưởi, mít, tiêu…. Tất cả được trồng theo phương thức an toàn.
Nói chuyện với Chủ tịch Lại Xuân Môn, ông Thanh giãi bày: Bây giờ làm nông không thể cứ làm theo cách cũ là cứ bón phân hóa học vô tội vạ. Xu hướng hiện nay là người tiêu thụ đang chuyển hướng sang dùng nông sản sạch. “Tôi nghĩ nếu không thay đổi canh tác nông sản làm ra rất khó được thị trường chấp nhận. Sản phẩm tôi làm ra luôn được thương lái mua hết, thậm chí nhiều khi không đủ bán”, ông Thanh thổ lộ.
Tháp tùng cùng Chủ tịch Lai Xuân Môn, ông Đào Trọng Phương – Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân tỉnh Bình Phước) cho biết, những năm qua hội nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ nông dân trong tỉnh chuyển dần sang phương thức làm sản phẩm an toàn. Một số mô hình liên kết sản xuất an toàn, như: CLB rau thủy canh, tiêu… đã được hình thành. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với sở KHCN chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn sản xuất an toàn cho nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đi thăm mô hình mít sạch của Trần Minh Chánh (ấp 6, Lộc Hòa, Lộc Ninh).
Vận động nông dân sản xuất nông sản sạch
Tại buổi làm việc, Huyện ủy Lộc Ninh đã báo cáo với đoàn công tác một số nét cơ bản trong phát triển kinh tế của huyện. Theo báo cáo, huyện Lộc Ninh là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn của tỉnh Bình Phước với 86.000ha, trong đó có 5.400ha tiêu. Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng, chính quyền phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng để nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. “Phải tái cơ cấu lại nông nghiệp. Nhưng tái cơ cấu phải từ nông dân chứ không phải từ chính sách”, Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Bí thư Huyện ủy huyện Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết cho biết, chính quyền các cấp ở địa phương rất ý thức việc này. Huyện đang đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, thành lập các HTX kiểu mới, sản xuất nông sản an toàn… “Chúng tôi đang thành lập ban chỉ đạo phát triển kinh tế, quy hoạch các vùng làm nông sản sạch”, bà Tuyết nói.
Theo ông Lê Khắc Phú – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh, các cấp hội đang vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn phải canh tác theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. “Sắp tới, nông dân làm sản phẩm là phải theo tiêu chí của doanh nghiệp yêu cầu. Thời gian qua chúng tôi cố gắng giúp nông dân nhận thức tầm quan trọng của việc làm nông sản sạch, làm được điều này không lo bán không được hàng”, ông Phú chia sẻ.
Chủ tịch Lại Xuân Môn trò chuyện cùng nông dân.
Thực tế cho thấy, từ khi nông dân Lộc Ninh làm tiêu sạch, nông sản này dễ được doanh nghiệp bao tiêu hơn. Hiện Công ty Nestpir (Hà Lan) tiêu mỗi năm vài trăm tấn tiêu cho nông dân trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.