Lộ diện "ông trùm" cờ bạc
Trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can với Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và nhiều người khác vì có liên quan đến đường dây đánh bạc trá hình trên mạng. Cơ quan điều tra đã làm rõ được người cung cấp phần mềm, bản quyền cho 2 cổng game điện tử mà Dương cầm đầu.
Cụ thể, cơ quan điều tra xác định, Dương là người có vai trò điều hành 2 cổng game điện tử Rikvip và Tip.club. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ được người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho Dương.
Người này chính là Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch của VTC Online). Đường dây đánh bạc này bị cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu bất thường cách đây 2 năm.
Theo đó, khoảng năm 2016, thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thông báo về việc cổng game do ông Dương điều hành có dấu hiệu đánh bạc trái pháp luật.
Phan Sào Nam được xác định là đã cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho Nguyễn Văn Dương.
Lúc này, cổng game điện tử Rikvip bị đóng cửa và ngừng hoạt động. Nhưng, ngay sau đó, cổng game Tip.club được mở lại với hình thức hoạt động tương tự như Rikvip và là nơi để hàng chục triệu người vào sát phạt.
Theo số liệu, cơ quan chức năng xác định có hơn 40 triệu tài khoản đăng ký tham gia trên cả hai cổng game này. Trong giai đoạn điều tra, số tiền lưu thông của đường dây đánh bạc lên đến 18.000 tỉ đồng.
Tiền ảo, phần thưởng thật
Hoạt động của hơn 40 triệu tài khoản tại 2 cổng game này và đường dây hoạt động cũng như cách chơi của người chơi rất đơn giản: Chỉ cần có điện thoại thông minh, hoặc thiết bị di động (máy tính, ipad…) có kết nối internet và cài phần phần mềm game điện tử trên là hoàn toàn có thể “lao” vào cuộc sát phạt.
Với loại hình game trá hình này, người chơi không cần phải gặp nhau, không phải ngồi trực tiếp như thường lệ và đương nhiên, chẳng ai biết ai nhưng họ vẫn có thể “đấu trí” với nhau hàng giờ vì tất cả đều là ẩn danh, là ảo.
Tuy nhiên, chỉ ảo về danh tính, ảo về thông tin cá nhân, nhưng kết quả thắng thua, tiền là thật. Người chơi có thể quy đổi tiền ảo trên game qua những đại lý ở bên ngoài.
Người chơi có thể tải được các game như RikVip, Tip.club hoặc nhiều game đổi thưởng tương tự từ các kho ứng dụng của Google Play hay App Store của Apple trên điện thoại thông minh hoặc ở các website của trò chơi.
Các cổng game đánh bạc qua mạng trá hình cơ bản sử dụng những bộ bài tú lơ khơ 52 lá ở dạng phần mềm để cho người chơi sát phạt.
Sau khi đăng ký tài khoản, người chơi sẽ chính thức vào game với nhiều lựa chọn như: Slot xmas, tiến lên miền nam, slot machine, tài xỉu, xóc đĩa, phỏm, sâm lốc, mini poker, ba cây, mậu binh…
Tiền ảo trong game thường được gọi là xu, xèng, coin, gem,… và sẽ được cộng một khoản nhất định khi bạn là người chơi mới. Khi chơi hết tiền ảo, người chơi sẽ phải nạp thẻ.
Theo ghi nhận của PV, tại game RikVip52, game cho người chơi rất nhiều cách để nạp tiền thật để lấy tiền ảo trong game: thẻ cào điện thoại (có 3 nhà mạng phổ biến, người chơi nhập số serial thẻ và mã thẻ), nhắn tin sms (tỉ lệ 10.000 VND bằng 10.000 Gem), visa (tỉ lệ đổi 0,99$ bằng 8000 Gem).
Ở phần đổi thưởng tại game RikVip52 cũng rất hấp dẫn khiến người chơi càng thêm ham muốn. Cụ thể, người chơi có thể đổi Gem (tiền ảo trong RikVip52) ra thẻ điện thoại (mệnh giá cao nhất là 500 nghìn), vật phẩm (máy tính bảng, điện thoại, xe máy).
Có 2 loại game đánh bài trên mạng, thứ nhất có thể đổi tiền ảo thành tiền thật và thứ hai không được đổi tiền ảo thành tiền thật. Loại game bài đổi thưởng chính là hình thức đánh bạc trên mạng mà cơ quan công an đang điều tra. RikVip52 là một loại hình đánh bài cho phép đổi tiền ảo thành tiền thật.
Game đánh bài trá hình cho phép người chơi đổi thưởng từ tiền ảo trong game lấy vật phẩm thật rất hấp dẫn.
Quá trình điều tra về đường dây đánh bạc nghìn tỉ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây này bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Máy chủ điều hành đặt tại Hà Nội với 25 đại lý ở tận 13 tỉnh thành trên cả nước.
Đáng chú ý, theo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã có hành vi tiếp tay "bảo kê" cho đường dây đánh bạc của Nam và Dương.
Theo đó, ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động.
Theo thỏa thuận, ông Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) sẽ được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.
Trong hợp đồng ông Hóa ký với Dương, vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng. Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỉ đồng, tuy nhiên Dương cũng khai chưa "chia" lợi nhuận cho ông Hóa.
Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.