Doanh nghiệp “nhảy dựng” vì dự thảo Luật Lao động sửa đổi

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 23/08/2019 14:58 PM (GMT+7)
Đa số ý kiến của các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng, dự thảo Luật Lao động sửa đổi với quy định giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần là không hợp lý.
Bình luận 0

Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Lao động sửa đổi diễn ra sáng nay (23/8) tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Nở - đại diện một DN may mặc cho biết, nếu quy định giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần như hiện tại xuống còn 44 giờ/tuần được áp dụng, sẽ làm giảm trung bình khoảng 9,1% thu nhập cho người lao động. Lý do là vì lao động ngành này được trả lương theo giờ hoặc theo sản phẩm. Chưa kể, mỗi khi có đơn đặt hàng gấp từ đối tác, DN sẽ phải tăng ca liên tục từ  2 - 2,5 giờ mỗi ngày, khiến lao động sẽ kiệt sức.

img

Ông Nguyễn Ngọc Nở, đại diện DN chia sẻ những thiệt hại mà các DN có thể gặp phải khi giảm giờ làm. Ảnh: Quốc Hải.

“Một vấn đề mà dự thảo Luật Lao động sửa đổi phải tính đến là việc giảm giờ làm việc tiêu chuẩn sẽ làm giảm thu hút đầu tư từ nước ngoài. Do đó, chúng tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên giờ làm theo tiêu chuẩn hiện hành là 48 giờ/tuần”, ông Nở nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Hương - Chủ tịch HĐQT một DN da giày tại Hóc Môn (TP.HCM) cũng cho biết, thời điểm này DN trong ngành đang gặp nhiều khó khăn trong việc làm sao giữ chân người lao động, dù DN đang trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng. Song sức hút từ các ngành dịch vụ khác và từ DN FDI đang khiến người lao động có nhiều lựa chọn hơn.

img

Đông đảo các DN và người lao động quan tâm đến dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Ảnh: Quốc Hải

“Lao động đã thiếu còn giảm giờ làm thì có thể nhiều DN nhỏ lẻ sẽ phải phá sản. Nguyên nhân là nếu giảm giờ làm, DN phải đứng trước 2 lựa chọn: Tuyển thêm lao động - khi đó DN sẽ càng khó khăn hơn do phải gia tăng chi phí lương, bảo hiểm, công đoàn…; hoặc tăng giờ làm thêm của người lao động. Việc này khiến DN có thể vi phạm quy định trần khung giờ làm thêm và chi phí gia tăng cũng không nhỏ, do tiền lương giờ làm thêm hiện nay khá cao, trong khi Luật Lao động sửa đổi yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến”, bà Hương tính toán.

img

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Intel Việt Nam cho rằng nếu quy định giảm giờ làm được áp dụng có thể sẽ làm giảm sức hút đầu tư, nhất là đầu tư từ các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Quốc Hải

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Intel Việt Nam chia sẻ: “Tại Intel, chúng tôi vẫn đảm bảo lao động được nghỉ 12 ngày/năm, đảm bảo 48 giờ nghỉ ốm hưởng lương, nhưng thực sự chúng tôi cần lao động làm tới 60 giờ/tuần. Do vậy, khi dự thảo đưa ra quy định giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần như hiện tại xuống còn 44 giờ/tuần thì phải cân nhắc kỹ. Bởi nếu áp dụng sẽ làm giảm sức hút đầu tư, nhất là đầu tư từ các doanh nghiệp FDI”.

Đại diện nhiều DN khác cũng cho rằng, tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như: Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào… đều 48 giờ/tuần, nên không thể nói thời gian làm của Việt Nam nhiều hơn và điều chỉnh xuống còn 44 giờ/tuần. Điều này gây thiệt hại kép cho cả DN, người lao động và cả cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia khác.

Ở một góc nhìn khác, bà Mary Tarnowka - nguyên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) chia sẻ, tăng trưởng GDP bền vững đòi hỏi phải đảm bảo mức tăng lương được khớp hoặc vượt quá mức tăng năng suất. Tuy nhiên, một số điều khoản lao động chính của Việt Nam lại không mang tính cạnh tranh đáng kể so với tiêu chuẩn khu vực, chẳng hạn như: Giới hạn thời gian làm thêm hàng năm; Chi phí lũy tiến cho làm thêm giờ, ngày Chủ nhật và ngày lễ.

img

Bà Mary Tarnowka (trái), nguyên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) ý kiến về những điểm mới của dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Ảnh: Quốc Hải

“Những giới hạn về giờ làm thêm và chi phí lũy tiến làm thêm giờ có tác động nhỏ hơn năng suất trên mỗi đô la xuất khẩu một thập kỷ trước đây khi tiền lương hàng tháng của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Nhưng khi khoảng cách tiền lương không còn lớn, khoảng cách về giới hạn thời gian làm thêm thấp hơn so với những nước khác trong khu vực và chi phí lũy tiến cho giờ làm thêm cao hơn nhiều so với trong khu vực góp phần làm giảm năng suất trên mỗi đô la xuất khẩu và do đó tác động tới khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Thêm vào đó, các đề xuất mới trong dự thảo Luật Lao động như đề xuất rút ngắn tuần làm việc xuống còn 44 giờ/tuần có thể khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn nữa”, bà Mary Tarnowka nói.

Cũng theo bà Mary Tarnowka, trong cả ba điểm chính của dự thảo Luật Lao động là giới hạn giờ làm thêm, lương lũy tiến cho giờ làm thêm, số giờ mỗi tuần làm việc, bà chỉ đơn giản đề xuất Việt Nam thay đổi tiêu chuẩn tương đương với các quốc gia khác trong khu vực, thay vì duy trì hoặc thậm chí vượt xa hơn các nước khác.

Cũng tại hội thảo, nhiều DN cũng đánh giá, giờ làm thêm tối đa trong 1 năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ) thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan 1.836 giờ, Malaysia 1.248 giờ, Philippines 1.224 giờ, Indonesia 714 giờ, Trung Quốc 432 giờ, Bangladesh 408 giờ, Ấn Độ 300 giờ… Do đó, các DN đề nghị tăng giờ làm thêm tối đa hàng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường).

Riêng một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện có nhu cầu kinh doanh chính đáng và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

NLĐ buộc phải làm thêm dù thu nhập thực tế chẳng… cải thiện

Tăng thời gian làm thêm là nhu cầu của NLĐ để tăng thu nhập, với DN thì đây là điều kiện để bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bộ Luật Lao động hiện hành quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, thế nhưng tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Nhiều DN do nhu cầu thúc ép về đơn hàng đã bỏ qua nguyên tắc thỏa thuận để ép NLĐ làm thêm giờ. Do yếu thế nên NLĐ buộc phải chấp thuận làm thêm dù thu nhập thực tế chẳng cải thiện được là bao. Chưa kể, khi làm thêm giờ, NLĐ phải đối diện với nhiều hệ lụy về lâu dài, đặc biệt là sức khỏe.

Chưa hết, nếu làm thêm giờ liên tục trong môi trường làm việc không bảo đảm an toàn dễ dẫn đến tai nạn lao động. Xã hội càng phát triển, năng suất lao động càng cao... thì giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu càng phải giảm mới đúng quy luật. Việc xây dựng các quy định về làm thêm giờ cần được xem xét kỹ lưỡng trên nhiều mặt từ cơ sở khoa học, sức khỏe NLĐ, tuổi thọ lao động, sự nghỉ ngơi, phòng tránh tai nạn do kéo dài giờ làm việc, cân bằng cuộc sống, năng suất công việc, các luật pháp quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên ký kết… Trong đó, cần phải xây dựng đánh giá cụ thể về thể chất người Việt Nam bởi hiện tại tuổi thọ của người Việt Nam có tăng lên nhưng sức khỏe lại yếu đi…

Chị Trần Thị Hoa, công nhân may tại một DN trên địa bàn Q.4

Việc điều chỉnh tăng tuổi hưu thời điểm này chưa thích hợp

Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ “dân số vàng”, khả năng còn kéo dài đến năm 2035. Lao động làm việc trong bộ máy hành chính sự nghiệp hiện đang dư thừa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ duy trì một bộ máy kém hiệu quả. Chưa kể, hiện tại đang có khoảng 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ đang chưa cân đối...

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem