Giáo viên mầm non thành thạo tiếng Anh là  điều “không tưởng”

Nguyễn Thiêm Thứ hai, ngày 23/04/2018 06:20 AM (GMT+7)
Trong dự thảo tiêu chuẩn nghề nghiệp với giáo viên mầm non đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến, nhiều giáo viên không đồng tình với việc áp xếp loại theo mức, đạt – khá – tốt cho giáo viên mầm non căn cứ vào trình độ ngoại ngữ.
Bình luận 0

Cụ thể, về năng lực chuyên môn, dự thảo đưa ra yêu cầu ngoài kiến thức chuyên ngành, giáo viên  phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc): Sử dụng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định; hoặc giao tiếp bằng tiếng dân tộc (ở vùng dân tộc thiểu số) phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ…

img

Yêu cầu giáo viên mầm non thành thạo ngoại ngữ là điều không hề đơn giản. Ảnh: N.T

Để đảm bảo việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, Bộ GDĐT cũng đưa ra những mức xếp loại tương ứng với từ “đạt, khá, tốt” kèm theo các tiêu chuẩn để đánh giá được giáo viên mầm non theo cấp độ. Nhiều giáo viên mầm non và các chuyên gia giáo dục cho rằng, tiêu chuẩn về ngoại ngữ là “quá sức” đối với giáo viên mầm non.

Cụ thể, để xếp mức “đạt” giáo viên phải sử dụng được tiếng Anh thông thường (có trình độ tiếng Anh bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24.1.2014) hoặc sử dụng ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định (giao tiếp thông thường bằng tiếng dân tộc với trẻ và cha, mẹ của trẻ).

Để đạt mức “khá” giáo viên mầm non phải sử dụng tiếng Anh thành thạo (có trình độ tiếng Anh bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24.1.2014) hoặc sử dụng thành thạo ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định (giao tiếp thành thạo bằng tiếng dân tộc với trẻ và cha, mẹ của trẻ).

Ở mức “tốt” giáo viên mầm non phải sử dụng được tiếng Anh hiệu quả để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ (có trình độ tiếng Anh bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24.1.2014) hoặc sử dụng 1 ngoại ngữ khác ở mức tương đương theo quy định (giao tiếp hiệu quả bằng tiếng dân tộc với trẻ và cha, mẹ của trẻ).

Việc đánh giá giáo viên sẽ được thực hiện định kỳ hằng năm, bởi hội đồng đánh giá của trường: Giáo viên tự rà soát, đánh giá theo chuẩn vào cuối mỗi năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn; định kỳ 3 năm/lần cơ sở giáo dục mầm non tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn.

Tiêu chuẩn về ngoại ngữ được cho rằng không cần thiết và quá sức đối với giáo viên mầm non.

Một giáo viên tại một trường mầm non song ngữ tại Hà Nội cũng thừa nhận, việc cho trẻ mầm non tiếp xúc với ngoại ngữ tại trường là có nhưng phụ huynh thường rất “khó tính”, giáo viên tiếng Anh phải là giáo viên bản ngữ hoặc chuyên ngoại ngữ.

“Các cô một ngày chỉ quay cuồng với việc cho trẻ ăn, chơi, ngủ nghỉ, ca hát nhảy múa và học kỹ năng cũng “hoa mày chóng mặt”… hơn nữa lương giáo viên bèo bọt, nếu trình độ tiếng Anh đã “đạt chuẩn” như vậy thì các cô theo ngành khác chứ chẳng chọn nghề giáo viên mầm non” – cô giáo này cho biết.

Cô Nguyễn Thị Hoa – giáo viên lớp Lá tại một trường mầm non tư thục ở TP.Hải Dương cho biết, khi tốt nghiệp trường sư phạm, vốn tiếng Anh của cô cũng khá, tuy nhiến suốt 8 năm đứng lớp cô chưa từng 1 lần có cơ hội được sử dụng tiếng Anh, chính vì vậy, hiện vốn tiếng Anh của cô đã bị mai một nhiều. Khi đọc dự thảo mới về tiêu chuẩn xếp loại giáo viên mầm non cô đã rất ngạc nhiên.

“Hàng ngày, đối tượng tiếp xúc của giáo viên mầm non là các trẻ mới bắt đầu học nói. Công việc chính là chăm sóc, dạy kỹ năng và cho trẻ vui chơi… nên tôi không hiểu Bộ yêu cầu tiếng Anh với giáo viên mầm non để làm gì? Nếu xét theo các tiêu chuẩn đó thì e rằng nhiều trường chẳng có giáo viên nào đạt loại khá, tốt” – cô Hoa nói.

Tuy nhiên, cô Hoa cũng tiết lộ, việc yêu cầu trình độ tiếng Anh mặc dù giờ mới nghe đến dự thảo nhưng “tin đồn” đã có từ lâu. Nhiều giáo viên không đủ trình độ tiếng Anh đã tìm cách đi… mua bằng để làm đẹp hồ sơ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GDĐT cần cân nhắc khi đưa vào quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non với năng lực ngoại ngữ như vậy vì nó quá xa thực tế, điều này sẽ phát sinh những tiêu cực trong việc làm đẹp hồ sơ gây tốn kém, lãng phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem