Hà Nội: Vì sao chưa vận hành tuyến xe buýt nhanh nghìn tỉ?

Vinh Hải Thứ ba, ngày 31/05/2016 17:34 PM (GMT+7)
Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT của Hà Nội được đầu tư hơn 55 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng) đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác do chưa quyết được đường ưu tiên.
Bình luận 0

Chiều 31.5, tại cuộc họp giao ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Hà Huy Quang – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đến cuối năm nay, tuyến xe buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành, chậm hơn dự kiến một năm.

Đây là tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội sẽ chạy theo lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.

img

Ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết tháng 6 - tháng 7 sẽ khảo sát trực tiếp đường ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT.

Chiều dài tuyến là 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho xe buýt là khoảng 3,75m. Trên tuyến có 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách.

Dự án được khởi công năm 2013, với mức đầu tư hơn 55 triệu USD tương đương hơn 1.000 tỉ đồng, theo dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015. Thế nhưng, hàng loạt nhà chờ tuyến xe buýt này đã xong, nhưng chưa có xe buýt nhanh để sử dụng.

Ông Hà Huy Quang – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Theo tiến độ hiện tại, cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành tuyến. Điều khó nhất là làm thế nào để vận hành được xe buýt khối lượng lớn trên đường ưu tiên”.

img

Nhiều nhà chờ của tuyến buýt nhanh được đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đang phủ bụi chưa được đưa vào khai thác (ảnh Trần Văn/Dân Trí)

Theo thiết kế ban đầu, trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. Nhưng với thực tế của giao thông Hà Nội hiện nay, ông Quang cho rằng khi không có xe buýt chạy trên phần đường dành riêng, sẽ có phương tiện khác lấn làn.

Do đó, hiện nay Sở GTVT đang cùng đối tác tài trợ vốn nghiên cứu phương án tổ chức giao thông khả thi hơn.

Ông Quang cho hay: “Hiện đang có hai quan điểm, một là làm theo đúng dự án ban đầu, hai là không ưu tiên làn đường hoàn toàn cho xe buýt. Chúng tôi đang tính theo phương án khả thi hơn, nghĩa là không phải ưu tiên hoàn toàn 100% mà chỉ theo từng đoạn tuyến. Ví dụ như ưu tiên đia qua các nút giao thông, nhất là các tuyến ở nút giao với đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3”.

Trong tháng 6 – tháng 7 tới đây Sở GTVT sẽ đi trực tiếp trên tuyến để đưa ra phương án khả thi, hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Trong quý III chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể với UBND TP để đưa tuyến vào hoạt động trong quý IV. Đây là loại hình vận tải mới nên có những cái khó phát sinh, chúng ta phải tổ chức quản lý vận hành theo phương án mới”.

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, hiện mạng lưới xe buýt của Thủ đô gồm 92 tuyến. Trong đó có 72 tuyến buýt có trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận. Xe buýt vận hành trên 11.272 lượt/ngày, vận chuyển 1,17 triệu lượt khách/ngày. Trong 5 tháng đầu năm 2016, các tuyến xe buýt của Thủ đô đã vận chuyển 177,5 triệu lượt hành khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem