Phóng viên có mặt tại cơ sở này lúc 10h sáng (11.4), xưởng sản xuất đóng kín mít. Ở ngoài, một số công nhân vẫn chặt, rửa tre ở khu vực cạnh mương. Thấy chúng tôi, số công nhân không làm việc nữa.
Cơ sở này nằm ngay trong khu dân cư thuộc thôn Hoàng Lâu, nằm sâu phía cuối một con mương và bên cạnh là khu công nghiệp Tràng Duệ. Nhiều người cho biết, cơ sở này vẫn hay tập kết phơi tre ngoài bờ mương để đốt lấy tro làm nguyên liệu bán cho nơi khác và không biết là để làm gì.
Ông N.V.S, một người dân sống ở gần đó, cho biết: “Chúng tôi sống ở gần đây cũng có thấy hoạt động đốt lò vì có khói đen bay ra môi trường. Họ cứ đóng cửa im ỉm, chúng tôi cũng chẳng biết họ làm gì”.
Anh T.V.D cho biết thêm: “Cách đây vài tháng, có người mách vợ anh vào đó để làm công nhân đóng tem mác sản phẩm cho công ty, nhưng thấy công ty có vẻ không đoàng hoàng nên anh đã bảo vợ xin vào làm tại khu công nghiệp cho ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, cho biết: “Cơ sở này về đây hoạt động được khoảng hơn một năm nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương. Cách đây 6-7 tháng, cơ sở này đốt tre phát tán nhiều ra môi trường, dân sống ở khu vực đã có ý kiến. Chúng tôi cũng đã xuống kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở phải sớm có biện pháp khắc phục”.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Phòng Y tế huyện An Dương, cho biết: “Chiều 10.4, Phòng Y tế huyện An Dương cùng đoàn của Sở Y tế Hải Phòng xuống kiểm tra Công ty TNHH Hồng An Phong (địa chỉ tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương), do ông Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc.
Công nhân của Công ty Hồng An Phong vẫn tiếp tục sản xuất than từ tre nứa. (Ảnh: T.T)
Tại thời điểm đoàn kiểm tra, công ty không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm do Phòng Quản lý dược, Sở Y tế Hải Phòng công bố về quy trình sản phẩm mỹ phẩm đúng theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm. Công ty cũng không có hoạt động sản xuất các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm như đã đăng ký. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu, đến thứ 6 (ngày 13.4), Công ty phải cung cấp toàn bộ giấy tờ”.
Ông Lê Đức Năm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng, thông tin: “Dư luận đang chấn động về thông tin sản phẩm Vicana viên trị ung thư CO3 được làm từ bột than tre. Đây là một sản phẩm của Công ty Vinaca ở phường Ngọc Sơn quận Kiến An, TP.Hải Phòng. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở phân phối sản phẩm và đề xuất tiêu hủy các sản phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng làm từ tre nứa”.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, ngày 8.4, Công an quận Kiến An, TP.Hải Phòng, cho biết, đơn vị này vừa phối hợp các ngành chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hoá mỹ phẩm do bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) làm chủ và phát hiện các công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư.
Lực lượng công an xác định cơ sở này có 10 công nhân làm việc dưới sự quản lý của Chúc. Các sản phẩm gồm: Vinaca Vi5 (loại 874 ml), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác. Tại thời điểm kiểm tra, bà Chúc không xuất trình được giấy tờ, tài liệu và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.
Công an quận Kiến An đã đề nghị Sở Y tế TP.Hải Phòng xác minh, cung cấp hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ công bố mỹ phẩm của các sản phẩm nói trên. Theo phúc đáp của Sở Y tế TP.Hải Phòng, sở này đã cấp số tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm: Vinaca Carbon đa dụng; tẩy mùi hôi cơ thể; ung thư Vi3, tẩy mùi hôi cơ thể Vi4; baby Vi6; tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập căng thẳng, mệt mỏi. Các sản phẩm này do Công ty TNHH Hồng An Phong (giám đốc là ông Nguyễn Văn Tuấn) sản xuất và đưa ra thị trường.
Theo trình bày của ông Tuấn với đoàn thanh tra, ông không sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm mà cho Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Vinaca (chồng của Chúc), mượn giấy tờ và làm gì thì không biết. Sau đó, Thu nhờ Tuấn đốt các loại tre nứa để lấy tro và nghiền thành bột mịn gửi cho Thu.
Bà Chúc khai, toàn bộ quy trình sản xuất hoạt động từ đầu năm 2017 theo sự chỉ đạo của chồng. Công an đã triệu tập ông Thu để làm rõ vụ việc nhưng ông này không hợp tác, đồng thời vắng mặt tại địa phương. Theo tài liệu điều tra, các sản phẩm của Công ty TNHH Vinaca đã được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trong cả nước.
Cứ 1 tấn tre nứa, ông Tuấn đốt và nghiền mịn được 30kg tro thành phẩm. Trung bình mỗi tháng, ông Tuấn cung cấp cho Thu và Chúc 10 bao tro, mỗi bao 30kg. Từ năm 2016-2017, ông Tuấn nhận của Thu trên 200 triệu đồng tiền công.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.