Cả hai bản kết luận điều tra đều đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (ảnh IT).
Luật sư Thiệp cho biết: Sức khỏe của ông Đinh La Thăng vẫn bình thường. “Ông Thăng tỏ ra bình tĩnh trình bày về những gì đã diễn ra. Ông chấp nhận với cuộc sống hiện tại, không có phàn nàn gì. Về tinh thần của ông tôi thấy cũng ổn định”, luật sư Thiệp cho biết.
Vẫn theo luật sư Thiệp, ông Thăng không nhờ luật sư nhắn nhủ gì về gia đình. Ông Thăng hiện đang bị tạm giam ở Trại tạm giam T16 Bộ Công an.
Vào ngày 21.12, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án thứ hai về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 22 bị can. Theo đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn PVN cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 bị can bị khác bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Riêng Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh nêu trên.
Trước đó, vào ngày 19.12, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã ký kết luận điều tra vụ án liên quan đến sai phạm của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ PVN góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank.
Điểm rất đáng chú ý trong vụ án này là ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT của PVN mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank việc PVN góp vốn vào OceanBank, cũng không báo cáo Thủ tướng theo đúng quy định.
Sau khi thỏa thuận tham gia góp vốn, ông Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các Nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Mặc dù được HĐTV và Thư ký báo cáo việc ban hành Nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn khỏi OceanBank. Từ việc ông Đinh La Thăng làm trái các quy định tại Nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Luật các tổ chức tín dụng đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng khoản góp vốn của PVN tại OceanBank.
Cơ quan CSĐT nhận xét: Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa các tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.
Trong vụ án thứ hai này, đối với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" ngoài ông Đinh La Thăng còn có các bị can Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng, Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC; Lê Đinh Mậu, nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và kiểm toán Tập đoàn PVN; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc Tập đoàn PVN; Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PVC; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN; Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN; Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN.
Đối với nhóm tội "Tham ô tài sản", các bị can bị truy tố gồm có: Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Lê Xuân Khánh, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng; Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa; Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC; Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.