Ông Lê Văn Cuông không tin phân trần của Bí thư Hà Giang

Thứ ba, ngày 20/09/2016 15:19 PM (GMT+7)
Trước thông tin nhiều người thân của Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh làm lãnh đạo tại địa phương, ĐBQH Khóa XI, XII Lê Văn Cuông cho rằng đây là một hiện tượng bất bình thường.
Bình luận 0

img

ĐBQH khóa XI, XII Lê Văn Cuông

Quy trình bao giờ cũng rất đẹp! 

Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Cuông đặt vấn đề: Hà Giang còn bao nhiêu người tài tại sao lại chỉ tập trung vào anh em ông Triệu Tài Vinh? Mặc dù ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có phân trần rằng "Tôi không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo” nhưng ông Lê Văn Cuông nhìn nhận: “Đấy là cách nói của ông ấy thôi ạ, chứ tôi cho rằng chẳng ai tin ông ấy cả. Dư luận không thể tin”.

“Tôi đã chứng kiến trong thời hiện đại có nhiều người là lãnh đạo cấp cao đã từ chối việc bổ nhiệm người thân của mình vào vị trí lãnh đạo. Trong cơ quan Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam có rất nhiều đồng chí liêm chính nhưng tại sao lại có trường hợp này?” – ông Lê Văn Cuông băn khoăn.

Theo ông Lê Văn Cuông, nếu ông Bí thư tỉnh ủy kiên quyết bảo không bổ nhiệm người thân của mình và yêu cầu Sở Nội vụ, Ban Tổ chức tỉnh ủy rà soát lại đội ngũ trong tỉnh để tìm người giỏi thì sẽ không có chuyện này xảy ra. 

Ông Cuông phân tích thêm, về quy trình bổ nhiệm bao giờ cũng rất đẹp, không có một chỗ nào khuyết tật đối với quy trình cả nhưng vấn đề là người sử dụng quy trình ấy thế nào. Cũng như tôn giáo, bản thân tôn giáo nào cũng hướng thiện, đều khuyến khích người ta làm việc thiện, tu thân. Chỉ những kẻ sử dụng tôn giáo cho mục đích xấu thì mới làm méo mó những bản chất tốt đẹp mà tôn giáo quy định.

“Quy trình là văn bản thì nó tròn trĩnh, nhưng vấn đề người sử dụng, áp dụng quy trình đó vào đâu. Trong một địa phương người có vai trò quan trọng nhất là Bí thư Tỉnh ủy, thứ đến là Chủ tịch UBND tỉnh… Thực tiễn đã chứng minh, 700 quận/huyện nếu như Bí thư Quận/huyện ủy và Chủ tịch quận/huyện mà liêm chính thì bộ máy ấy là bộ máy liêm chính tận tâm với công việc.  Đối với tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, nếu Bí thư tỉnh ủy, thành ủy mà liêm chính, tận tâm với công việc thì bộ máy ấy sẽ liêm chính, quy trình vận hành bộ máy ấy sẽ rất đẹp, còn cũng quy trình ấy vào tay những người lãnh đạo không đầy đủ liêm chính, tận tâm thì sẽ khác ngay” – ông Cuông khẳng định.

Một lần nữa cho rằng hiện tượng ở Hà Giang là hiện tượng bất bình thường, ông Cuông nhấn mạnh: “Tôi không tin những điều mà ông ấy phân trần” .

“Tôi không có đầy đủ tư liệu để kết luận điều gì cả. Tôi có thể tin những người thân của ông Triệu Tài Vinh là những người làm được việc nhưng chưa phải những người giỏi nhất ở Hà Giang vào vị trí này” - ông Cuông nhận định.

Theo ông Cuông, nếu công tác cán bộ nghiêm chỉnh thì phải tìm cho Hà Giang những người tài, tỉnh nào chẳng có người tài, nếu làm đến nơi đến chốn thì có hàng trăm người giỏi như những người thân của ông Vinh, thậm chí có người giỏi hơn.

Tại sao không thi tuyển các chức danh lãnh đạo?

Ông Lê Văn Cuông nhận định, hệ thống luật pháp do con người xây dựng nên, Nghị quyết của Đảng cũng do con người xây dựng. Bản thân luật pháp quyết không có tội tình, quy chế cũng không có tội tình gì cả. Chẳng có nghị quyết nào sai cả, thậm chí với khoảng hơn 100 quy trình ở nước ta thì quy trình nào cũng đẹp.

“Vấn đề đặt ra là quy trình vào tay ai và họ sử dụng quy trình ấy thế nào? Vì thế để khắc phục hiện tượng như Hà Giang, theo tôi cần phải dân chủ trong công tác cán bộ. Nếu không có dân chủ thực sự thì mọi cái vô nghĩa. Một nghìn nghị quyết, nghìn sách lược đúng cũng trở nên vô nghĩa nếu không dân chủ thực sự. Điều này là cơ bản nhất.

Ví dụ đến năm 2018 cần 2 Phó giám đốc Sở KH&CN, cần 1 Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, cần 2 Phó giám đốc Sở Tài Chính… thì tỉnh, thành đó sẽ thông báo công khai trong sở cho anh em bàn bạc, dân chủ” - ông Cuông nói.

Vấn đề thứ hai, theo quan điểm của ông Cuông là tại sao không cho thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Bởi đây chính là bộ lọc lọc bớt những kẻ lợi dụng cơ chế để vụ lợi, để hình thành nhóm lợi ích không lành mạnh.

“Thứ 3 là Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Ban Kiểm tra, kể cả Ban Bảo vệ nội bộ cần xuống địa phương kiểm tra. Đề nghị từ nay về sau, bổ nhiệm những vị trí từ phó giám đốc trở lên cần có ý kiến của chuyên ngành cấp trên. 

Thứ 4, phải quy định lại trách nhiệm hành chính của cá nhân trong bộ máy hành chính. Ví dụ trường hợp Trịnh Xuân Thanh thì cựu Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm chứ? Về hưu rồi cũng phải truy cứu trách nhiệm” – ông Cuông nhấn mạnh.

N. Huyền (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem