Trẻ em lớp 2 đủ khả năng học xác suất, thống kê hay chưa?

Hà My Thứ ba, ngày 05/11/2019 11:13 AM (GMT+7)
Trong chương trình phổ thông mới, học sinh sẽ được học xác suất và thống kê ngay từ lớp 2 là thông tin gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Mới đây, PGS.TS Ngô Hoàng Long - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ trên báo chí về việc thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Điều đáng chú ý, ông Long cho biết phần kiến thức thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2. “Ở lứa tuổi này, học sinh sẽ được làm quen với các khái niệm đơn giản về xác suất và thống kê và dần nâng cao hơn ở các cấp học cao hơn” - ông Long cho hay.

Ở chương trình phổ thông hiện hành, chương trình này trước đây chỉ xác định một chút ở lớp 4-5 và lớp 7, lớp 10 và xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.

Tính ứng dụng của bộ môn xác suất - thống kê 

Thông tin kể trên ngay lập tức “vấp” phải những ý kiến trái chiều của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng bộ môn xác suất, thống kê thực tế vẫn đang là một môn rất khó ở cấp học đại học, nhiều sinh viên phải cố gắng hết sức mới có thể “qua môn”, mang xuống lớp 2 có khiến cho học sinh ở lứa tuổi “biết ăn, biết chơi, biết ngủ” là ngoan có quá sức của các em?

“Chúng tôi rất hoang mang khi nghe thông tin môn xác suất, thống kê sẽ được dạy ở lớp 2 trong chương trình phổ thông mới. Bản thân tôi khi đi học đại học cũng gặp nhiều khó khăn với môn học này, không biết trong chương trình mới thì các con sẽ được giải nghĩa như thế nào, các thầy cô giáo sẽ tìm cách truyền đạt ra sao cho học sinh nắm bắt được môn học này?” – chị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về thông tin kể trên.

img

Một bài tập đơn giản thống kê mô tả của trẻ em tiểu học.

Trên thực tế, việc đưa bộ môn thống kê mô tả vào cấp học tiểu học không phải là chuyện lạ lẫm gì trên thế giới. Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Đức… đều có bộ môn xác suất (Probabilities) và thống kê (Statistics) trong chương trình học.

Với những yêu cầu cơ bản như sau khi hoàn tất môn học, học sinh có thể hiểu được các khả năng xảy ra với một sự kiện (ví dụ khi tung xúc xắc có khả năng sẽ xảy ra những mặt nào…), có thể đọc và hiểu được số liệu trong biểu đồ cột, tròn…

Ví dụ đây là một bài toán điển hình của bộ môn xác suất – thống kê được giảng dạy trong cấp học tiểu học tại Đức.

Câu hỏi: Nếu tung 2 hột xúc xắc 6 mặt thì có thể được 13 điếm không ?

A: 1) Luôn luôn. 2) Có khả năng. 3) Không.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Lê Đức Vĩnh - nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định rằng việc được tiếp xúc sớm với bộ môn xác suất, thống kê là một nhu cầu thiết yếu trong thời đại hiện nay.

“Trong bộ môn Toán nói chung thì xác suất - thống kê có ứng dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều sử dụng kiến thức của môn học này. Lấy ví dụ: trong ngành Dược, khi áp dụng thử nghiệm một loại thuốc mới, quy trình sẽ được thử nghiệm trên động vật, khi thấy thuốc này có hiệu quả trên động vật ở một mức độ % nào đó (không phải 100%) thì sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên người tự nguyện. Theo tôi biết, chỉ cần đạt khoảng 70% người thử nghiệm có hiệu quả khi sử dụng thuốc thì thuốc đó sẽ được coi như có khả năng chữa lành bệnh. Đó chính là kiến thức xác suất – thống kê khi được áp dụng vào cuộc sống” – thầy Vĩnh cho hay.

img

Thầy giáo Lê Đức Vĩnh - nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhận định về môn học này, anh L.Đ.N - trưởng phòng một công ty kiểm toán tư nhân cho biết nên học thống kê ngay từ phổ thông để làm quen: “Kỹ năng đọc hiểu, bảng biểu số liệu là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng nên nắm rõ, không phải chỉ để áp dụng vào công việc mà ngay cả cuộc sống. Lấy ví dụ đơn giản nhất là có thể đọc hiểu được bảng dữ liệu dinh dưỡng phía ở bao bì thực phẩm, giáo viên có thể tự làm bảng biểu thống kê tình hình học tập trong lớp, gia đình thống kê được chi tiêu để quản lý tài chính… Ngoài ra, hiện nay các nghề liên quan đế việc tổng hợp, phân tích, thống kê, dự báo các số liệu đang rất phát triển cho thấy được tầm quan trọng của bộ môn xác suất - thống kê trong cuộc sống hiện đại”.

Dạy xác suất – thống kê từ lớp 2: Cần cẩn trọng

Thày giáo Lê Đức Vĩnh cho rằng việc tiếp cận với kiến thức xác suất – thống kê ngay từ lớp 2 có lẽ còn hơi sớm đối với học sinh. “Ở lứa tuổi này, khả năng ngôn ngữ của các em chưa hoàn thiện, việc đưa các câu hỏi như tung một đồng xu thì sẽ có khả năng rơi ra mặt nào… thì tôi cho là hơi khiên cưỡng đối với khả năng của các em học sinh lớp 2. Theo tôi, tốt nhất nên để học sinh lớp 7, lớp 8, các em thạo về ngôn ngữ mới bắt đầu tiếp xúc với bộ môn này sẽ chuẩn hơn”.

“Lâu nay chúng ta học môn xác suất – thống kê theo kiểu hàn lâm đó là dạy kiến thức xác suất trước rồi từ đó mới đi tới thống kê là kết quả được sinh ra từ xác suất. Nhưng ở nước ngoài họ thường dạy thống kê mô tả trước từ đó khái quát hóa lên khái niệm xác suất. Việc tiếp cận bộ môn này cũng cần được nghiên cứu để làm sao thực sự đơn giản đối với học sinh” – thầy Vĩnh nhận định.

img

Học sinh lớp 2 liệu đã sẵn sàng để học kiến thức xác suất - thống kê. (Ảnh minh họa: IT)

Cùng chung quan điểm trên, cô giáo Bùi Thu Hương (giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, hiện tại kiến thức sơ đẳng của môn xác suất - thống kê đã được dạy trong cấp học tiểu học.

“Hiện tại cuối lớp 3 các em đã bắt đầu được làm quen với các bài toán thống kê ở mức độ rất đơn giản và nắm bắt kiến thức rất tốt với khả năng tư duy ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, nếu phần kiến thức này được dạy cho học sinh đầu lớp 2 thì sẽ tương đối khó khăn bởi khả năng ngôn ngữ của các em chưa phát triển đầy đủ, sẽ khó cho giáo viên giúp các em tiếp cận môn học” - cô giáo Thu Hương chia sẻ quan điểm về việc học xác suất – thống kê từ lớp 2.

“Chắc chắn nếu kiến thức xác suất – thống kê được dạy ở lớp 2 trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên sẽ phải được tập huấn phương pháp giảng dạy, ngoài ra kiến thức cũng phải được sàng lọc rất kỹ càng để học sinh trong lứa tuổi này có thể hiểu. Cá nhân tôi cho rằng việc đưa kiến thức này vào lớp 2 là hơi sớm” – Cô Hương khẳng định.

Cô giáo Thu Hương cũng cho biết mình từng nghiên cứu về môn học này ở lứa tuổi cấp 1, theo nghiên cứu “Hiểu về xác suất trong trong lứa tuổi tiểu học và cận tiểu học” của hai nhà toán học Tatjana HodnikČadež và Maja Škrbec người Slovenia, sau khi thử nghiệm trên 623 học sinh từ 4 tuổi tới lớp 3, các em đều có thể hiểu được sự khác nhau giữa các khả năng xảy ra của một sự kiện.

“Tuy nhiên, để áp dụng ngay lập tức vào lớp 2 trong chương trình phổ thông mới, theo tôi cần phải có sự thận trọng” – cô Hương chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem