Mấy ngày qua, dư luận xã hội, báo chí xôn xao thông tin về việc Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) cấp phép đổ thải hơn 1 triệu tấn bùn nạo vét ra Hòn Cau, vùng biển Bình Thuận.
Tất nhiên, phía Bộ TNMT luôn như thế, luôn biết cách trấn an người dân bằng những mỹ từ không thể "đẹp" hơn: nhận chìm, an toàn, trách nhiệm, giám sát...
Nhưng sự việc bắt đầu sôi lên sùng sục khi bản tin phóng sự của truyền hình VTC ghi rõ ràng hình ảnh đáy biển khu vực quy hoạch đổ thải với những dãy san hô và thảm thực vật tươi tốt, với những đàn cá tung tăng bơi lội, những hình ảnh không thể sống động hơn về một khu vực đáy biển tràn trề sức sống, nơi mà ngư dân ngày ngày vẫn buông lưới, thả câu, tạo lập cuộc sống.
Bộ Tài nguyên môi trường nói, bộ này tin "kiểm soát được tình hình"
Một đáy biển như thế lại có thể bị vò nát và xóa nhòa trước câu khẳng định của Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc - người ký giấy phép rằng, đáy biển khu vực này không có gì hết ngoài cát, chỉ là cát thôi, không hề có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản.
Và ông thứ trưởng này còn khẳng định đầy "trách nhiệm" rằng, nếu đáy biển ở đó có san hô, có cỏ biển, có hệ sinh thái...thì dứt khoát Bộ TNMT không bao giờ cấp phép. Hoạt động nhận chìm đã có ĐTM, được Hội đồng thẩm định thông qua, nếu có sự cố sẽ dừng ngay.
Sự đối nghịch với lời nói và thực tế ở khu vực quy hoạch đổ thải đã khẳng định ngay rằng, nhận định và căn cứ để ra quyết định cho đổ thải của Bộ TNMT hóa ra là nhận định mơ hồ trên giấy, nhận định đoán mò, hoặc là do thiếu trách nhiệm, hoặc là quan liêu, hời hợt.
Nhưng tôi không tin một cơ quan quan trọng như thế, tập trung một đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học như thế, không thể không biết rằng, đáy biển khu vực đổ thải lại chỉ là đáy "chết" toàn cát là cát.
Ngược lại, họ thừa biết. Chắc chắn là họ biết. Chắc chắn là những người hoạch định quy hoạch đổ thải quá biết về thềm đáy biển ở đây tràn trề sức sống, nhưng họ cố tình coi như đáy biển "chết" để cố tình ký cho bằng được cái giấy phép.
Đây có thể gọi là hành động gì? Gian dối với Chính phủ, với nhân dân hay có sự thỏa hiệp ngầm giữa người làm báo cáo với chủ dự án.
Bất cứ lý do nào thì cũng khó biện minh được một thực tế, không và không được phép đổ thải vào một khu vực biển theo cách tận diệt như thế.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ TNMT đã cấm cửa báo chí vì có lẽ sợ báo chí xoáy vào vấn đề nhận chìm này.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nằm sát biển Bình Thuận
Vậy xin hỏi, dù có cấm cửa báo chí thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn nhớ lời của ông phát biểu bên hành lang Quốc hội sáng 10.11.2016 xung quanh hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải nhiệt điện xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hay không?
Nếu không, tôi xin được nhắc lại lời ông Trần Hồng Hà: "Các chất thải nhiệt điện theo quan điểm của tôi, có những loại hoàn toàn có thể tái chế để sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất. Ở các nước, đây không phải chất thải thuần túy mà nằm trong danh mục chất thải đặc biệt và có thể tái sử dụng. Trong trường hợp chất thải là xỉ thải, khi xem xét cụ thể, cần đánh giá thành phần của nó, nếu không chứa hàm lượng độc hại và đáp ứng các tiêu chuẩn làm nguyên liệu thay thế các nguyên liệu làm vật liệu xây dựng hiện nay, nhiều nước đã sử dụng nguồn nguyên liệu này để trộn vào các nguyên liệu xây dựng, phục vụ việc kè đê, kè biển...
Doanh nghiệp bao giờ cũng muốn chọn vị trí xả thải thuận tiện nhất, tốn ít chi phí nhất. Tuy nhiên, về mặt môi trường, phải chọn vị trí mà tác động ít nhất, không ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái. Đó là yêu cầu kiên quyết. Nếu hoạt động đổ thải gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái cần bảo tồn, chẳng hạn như gần một khu sinh thái nhạy cảm cần bảo tồn thì tuyệt đối không được".
Vậy, lúc này, khi đáy biển Bình Thuận đang thực sự phát triển với những rặng san hô và thảm thực vật tươi tốt thì việc Bộ TNMT vẫn quyết đổ thải xuống đó liệu có "tiền hậu bất nhất", liệu có đi ngược lại tuyên bố, liệu có phải đang cố ý "giết" biển không thưa Bộ trưởng?
Bộ TNMT còn trấn an nhân dân rằng, sẽ theo dõi chặt chẽ việc đổ thải, nếu phát hiển có vấn đề nguy hại sẽ cho dừng ngay. Nói thế là nói với ai chứ không thể nói với nhân dân cái cách xử lý "sự đã rồi" thì mấy ai tin?
Cũng như người ta đặt câu hỏi, lật ngược hồ sơ đầu tư các nhà máy nhiệt điện ở Bình Thuận, có hay không có nội dung xả thải này?
Có thì sao không có ngay phương án đánh giá phê duyệt trước khi xây dựng nhà máy và nếu không thì sự quản lý lỏng lẽo của các cơ quan quản lý nhà nước trong hồ sơ cấp phép như thế này ai chịu trách nhiệm?
Các nhà khoa học còn đặt vấn đề tại sao không xây kè lấn biển, dùng chất đổ thải là bùn nạo vét để tạo thành phần đất lấn biển mà cứ phải hăm hở vào cho phép đổ thải?
Phải chăng Bộ TNMT cấp phép là theo nguyện vọng "giá rẻ" của nhà đầu tư chứ không ngó ngàng gì đến "giá đắt" phải trả cho một môi trường biển của tương lại?
Rồi lại còn một đơn xin đổ thải trên 2 triệu tấn nữa đang được đệ trình. Và cứ đà này, với sự "ủng hộ" rất đáng quan ngại của Bộ TNMT, liệu lời cam kết của Thủ tướng "không đánh đổi môi trường bằng mọi giá" sẽ được thể hiện trên thực tế như thế nào trong các quyết định của bộ này?
Lòng tin của nhân dân sẽ sa sút có căn cứ nếu với cách làm không hợp lòng dân và nguy hại đến an ninh môi trường như thế này.
Loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ lợi ích "ích kỉ" của nhà đầu tư, loại bỏ cả những thỏa thuận bắt tay gầm bàn, các cơ quan quản lý nhà nước và cao hơn hết là phải bảo vệ cho được môi trường của quốc gia không phải chỉ cho hôm nay mà cho tương lai mãi mãi sau này.
Bài học cay đắng từ Fomosa Hà Tĩnh luôn là tiếng chuông báo động từng ngày cho tất cả các dự án liên quan đến môi trường.
Lợi ích quốc gia đang đặt lên bàn làm việc của các Bộ, ban ngành trước mỗi chữ ký. Thế nên xin hãy cân nhắc thật kỹ bởi lịch sử rất công bằng, phân định rõ ràng công - tội!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.