Ông N.V.M (xã Ea K'Mut, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) vừa gửi đơn tố cáo hiệu trưởng một trường THCS tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã nhận tiền để cho con gái ông vào dạy hợp đồng.
Công an tỉnh đang vào cuộc điều tra phản ánh của giáo viên về việc "chung chi" để được đi dạy.
Theo đơn, ông M cho biết, năm 2016, ông đã gặp ông H.B - Hiệu trưởng trường này - để xin cho con gái đi dạy. Lúc này ông B nói, hiện nhà trường còn một suất biên chế nhưng phải chi 140 triệu đồng.
Tin lời, ông Minh đã đưa cho ông B tổng cộng 120 triệu đồng. Sau khi đưa tiền con gái ông M được nhà trường nhận vào dạy hợp đồng với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như "thỏa thuận", ông M đòi lại tiền nhưng ông B không trả.
Sáng 14.3, đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar, xác nhận đã nhận được đơn tố cáo của ông M. Tuy nhiên theo đại tá Trường, ông M chỉ cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ chứ không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên Công an huyện hướng dẫn ông M khởi kiện ra tòa để đòi tiền.
Cùng ngày, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, trước một số phản ánh của giáo viên trên báo chí về việc bỏ tiền ra để được ký hợp đồng lao động, Công an tỉnh đã giao phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh, làm rõ.
Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, bà Ngô Thị Minh Trinh, cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong việc huyện hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên.
Tướng Rơi cũng cho biết, liên quan đến việc hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Ngoài ra, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì Công an tỉnh sẽ điều tra ngay.
Như Dân Việt đưa tin, từ năm 2011 -2016, các chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế. Việc này đã khiến toàn huyện Krông Pắk thừa hơn 600 giáo viên.
Theo UBND huyện Krông Pắk, trong số giáo viên hợp đồng dôi dư này có 208 trường hợp không có vị trí xét tuyển buộc phải chấm dứt hợp đồng, số còn lại sẽ tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của huyện để chọn ra 83 người. Như vậy, sắp tới toàn huyện này sẽ có gần 500 giáo viên mất việc (chưa kể hàng chục trường hợp xin nghỉ việc trước đó).
Trả lời PV Dân Việt về việc liệu có tiêu cực trong việc lãnh đạo huyện "phóng bút" ký hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên? Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện này cho biết, hiện vẫn chưa phát hiện tiêu cực nào. Bà Trinh cũng khẳng định sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.