Hai con bỗng mất cha, vợ mất chồng
Vào khoảng 13h45 ngày 23/5, anh Vi Văn May (SN 1985, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cùng em trai chèo thuyền cách cửa xả của thủy điện Nậm Nơn khoảng 40m để đánh bắt cá. Bỗng thủy điện xả lũ không thông báo khiến chiếc thuyền mỏng manh của hai anh em anh Vi Văn May, Vi Văn Thân lật úp. Anh Vi Văn May tử vong, còn em trai Vi Văn Thân may mắn sống sót.
Phóng viên có mặt tại nhà anh Vi Văn May cũng là thời điểm theo phong tục địa phương, ông Vi Xuân Hải (bố anh May) đưa thầy cúng về nhà để "gọi hồn con về", mong con siêu thoát và làm “vía” (theo phong tục người Thái) cho người em Vi Văn Thân may mắn thoát nạn.
Ba mẹ con chị Lương Thị Panh đau đớn trước sự ra đi đột ngột của chồng. Ảnh: Cảnh Thắng
“Mấy đời nay, căn nhà của gia đình tôi sinh sống ổn định, bình thường bên dòng sông Nậm Nơn. Thế rồi, khi nhà máy thủy điện Nậm Nơn xây dựng đã khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Dòng Nậm Nơn hiền hòa khi xưa bỗng trở nên hung dữ.
Tôi nhớ như in ngày 30 và 31/8/2018, nhà máy thủy điện Nậm Nơn xả lũ đột ngột khiến nhiều nhà cửa bị trôi, trong đó có nhà của bố con tôi. Còn lần này, thủy điện Nậm Nơn đã cướp đi con trai tôi. Dòng nước từ thủy điện Nậm Nơn cuốn phăng mọi thứ, những tảng đá to bị cuốn đi như hạt cát, nói chi là thân thể con người. Tôi nhìn con bị dòng nước cuốn phăng mà chỉ biết gào khóc, không tài nào cứu nổi. Thủy điện Nậm Nơn coi thường tính mạng con người thế này, liệu sau con tôi còn ai nữa sẽ mất mạng vì họ đây”, ông Vi Xuân Hải vừa nói vừa khóc.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt trong nước mắt, chị Lương Thị Panh (SN 1994, vợ nạn nhận Vi Văn May) đau đớn nhớ lại: “Anh May là trụ cột chính của cả gia đình. Anh ra đi bỏ lại tôi và hai con thơ. Giờ tôi biết sống sao”.
Hiện trường nơi thủy điện Nâm Nơn xả lũ khiến anh Vi Văn May tử vong. Ảnh: Cảnh Thắng
Bước vào căn nhà nhỏ, nghèo xơ xác bên dòng Nậm Nơn hung dữ, chúng tôi không sao kìm lòng khi chứng kiến cảnh hai cháu nhỏ con của nạn nhân Vi Văn May lúc khóc thét, lúc cười đùa ngây thơ bên bàn thờ bố mà không biết bố đã mãi ra đi. Ngay cả cháu Vi Thị Bảo Ngọc (7 tuổi, con của anh Vi Văn May) khi được hỏi còn trả lời: “Cả tuần nay không thấy bố đâu. Bố đi làm lâu quá”.
Không biển báo, không còi, không giám sát...
Trò chuyện với Dân Việt, ông Vi Văn Hoàn (trú tại bản Xiêng Hương, xã Xá Lương, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết: "Thủy điện Nậm Nơn xả lần này không thông báo. Theo quy định, mỗi lần xả lũ, nhà máy thủy điện Nậm Nơn phải thông báo cho người dân bằng một hồi còi hú. Sau đó khoảng 30 phút, họ mới được xả lũ. Nhưng lần này, họ không thông báo, cũng không có tiếng còi hú, họ đã xả khiến nhiều người mưu sinh trên sông Nậm Nơn không kịp trở tay. Anh Vi Văn May chết".
Thủy điện Nậm Nơn.
Phóng viên được lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, sau trận lũ lịch sử vào tháng 8/2018, đài quan sát và còi hú để thủy điện Nậm Nơn xả lũ đã bị hỏng, camera giám sát quy trình xả lũ cũng hỏng. Chưa kể, biển báo khu vực nguy hiểm vùng hạ du bị nước lũ cuốn mất từ tháng 8/2018 đến nay vẫn không được lắp đặt lại. Thủy điện Nậm Nơn không hề khắc phục bất cứ một hạng mục nào.
Trong khi đó, ông Chương Văn Thành - Trưởng bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nói: "Lâu nay, mỗi khi xả, nhà máy thủy điện Nậm Nơn phải điện cho trưởng bản, đồng thời cắt cử 2 - 3 người đi kiểm tra khu vực phía hạ du xem có người dân nào đánh cá không để cảnh báo. Chưa kể, nhà máy còn phát còi hú, khoảng 30 phút sau đó mới xả. Nhưng lần xả hôm 23/5, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn không hề làm những thao tác đó".
Sau xả lũ, nửa căn nhà của ông Vi Xuân Hải bị cuốn trôi gần 1 năm nay. Ảnh: Cảnh Thắng
Ngôi nhà của anh Vi Văn May và chị Lương Thị Panh cũng bị nước lũ cuốn trôi nhưng chưa được bồi thường hỗ trợ từ tháng 8/2018 đến nay. Ảnh: Cảnh Thắng
Ông Vi Xuân Hải còn cho biết: “Đến nay, gia đình tôi cũng như gia đình của con tôi bị thiệt hại nặng nề sau lũ dữ và thủy điện xả vào tháng 8/2018. Thủy điện Nậm Nơn mới "hỗ trợ" cho mỗi gia đình 50 triệu đồng. Giờ họ lại xả lũ làm mất mạng con tôi".
“Con tôi chết vì sự tắc trách của lãnh đạo cũng như cán bộ thủy điện Nậm Nơn. Họ bảo hỗ trợ 40 triệu đồng. Họ đã sai sao lại dùng từ hỗ trợ được, phải gọi là đền bù. Chưa kể, gia đình chúng tôi chưa nhận được lời hỏi thăm nào từ lãnh đạo thủy điện Nậm Nơn", ông Hải nói.
Trước đó, ngày 24/5, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư UBND huyện Tương Dương đã thông báo triển khai phương án hộ trợ di dời, tái định cư các hộ dân bản Xiêng Hương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào tháng 8/2018. Trong danh sách di dời có hộ gia đình anh Vi Văn May và chị Lương Thị Panh, nhưng chưa được di dời thì anh May đã bị nước từ cửa xả thủy điện Nậm Nơn cuốn trôi, tử vong.
Thủy điện Nậm Nơn xây dựng trên dòng nậm Nơn, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Công suất lắp máy 20MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 12/2011, hoàn thành năm 2015. Thủy điện Nậm Nơn nằm dưới thủy điện Bản Vẽ 11km, hoạt động liên hợp với thủy điện Bản Vẽ. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tổng Công ty Phát triển Năng lượng Nghệ An. Người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Tân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.