Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ thường trực Bộ Chính trị.
Liên tiếp trong thời gian ngắn, Ủy ban Kiểm tra TƯ ra những kết luận về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Vũ Huy Hoàng được dư luận rất quan tâm. Những việc làm này đã tác động đến việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ những việc làm trên của Đảng, Nhân dân đánh giá cao. Việc làm đó cũng thể hiện rõ quyết tâm của TƯ, cá nhân Tổng Bí thư, các đồng chí có trách nhiệm ở TƯ. Tôi nghĩ qua những vụ việc đó, Đảng ta sẽ thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, nhìn vào yêu cầu chung thì phải bình tĩnh, hết sức nghiêm túc, cần có ý thức trách nhiệm cao để tiếp tục đấu tranh chống những tiêu cực như tham nhũng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Riêng cá nhân tôi cho rằng, vu việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh lẽ ra cơ quan chức năng phải vào cuộc và có kết luận sớm hơn nữa.
Trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, đến nay những tổ chức, cá nhân có vi phạm đã được chỉ ra và đề xuất kỷ luật. Còn điều gì khiến ông băn khoăn suy nghĩ?
- Trong kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra TƯ có nêu 7 trường hợp cán bộ vi phạm. Trong vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, kết luận cũng chỉ rõ khuyết điểm của ông này. Tất cả sự việc được nêu rõ như vậy là rất tốt.
Tuy nhiên tôi cho rằng qua vụ việc, con người cụ thể đó, cái gốc của vấn đề phải được giải quyết, cái đó mới quan trọng. Những ông đó có khuyết điểm thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng chế độ làm việc của Đảng ta là tập thể lãnh đạo, vậy những ông đó có phải vô nguyên tắc, vô kỷ cương không khi một mình quyết định? Hay đó là chủ trương chung mà ông phải chịu trách nhiệm?
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết tâm làm thì cũng nên cố gắng làm rõ thêm, làm cho công bằng, làm sao để những người bị kỷ luật cũng tự mình thấy rõ trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, để họ vui vẻ sửa chữa, phấn đấu. Còn những người có khuyết điểm cũng không trốn tránh được trách nhiệm.
Nói một cách khác, khi xử lý những cán bộ đó thì những tồn tại đã chuyển biến chưa? Có đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng không; đáp ứng được tính kỷ cương và công bằng xã hội chưa? Tất cả những cái đó cần được phân tích, làm rõ. Có như vậy chúng ta mới khắc phục được tồn tại và tạo tiền đề cho những việc khác.
Ngoài ra, việc xử lý phải có tình có lý, sai đến đâu xử lý đến đấy, không nhất thiết cứ phải cho thôi việc hay tù tội mới là nghiêm minh.
Ông Trịnh Xuân Thanh.
Thưa ông, liên quan đến vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, ông thấy còn việc gì cần phải làm rõ?
- Trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, tôi chưa thấy kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ đề cập gì đến việc giới thiệu ông này ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Trịnh Xuân Thanh được giới thiệu ứng cử và trúng cử ĐBQH khóa XIV khi đã có vi phạm. Khi bị phát hiện, Hội đồng bầu cử Quốc gia phải bác tư cách đại biểu. Đây là việc lớn, vậy ai phải chịu trách nhiệm?
Cá nhân Trịnh Xuân Thanh không thể tự mình làm việc này mà phải theo tổ chức. Cá nhân ông này được đánh giá từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, qua ba vòng hiệp thương từ khu dân cư, cơ quan. Vậy việc đó cho chúng ta bài học gì?
Tôi không rõ những đồng chí có trọng trách sẽ xem xét vấn đề này thế nào? Chuyện vi phạm của Trịnh Xuân Thanh từ đi xe biển số xanh chỉ là việc cụ thể, còn vấn đề lớn là việc vận hành công tác cán bộ, đây điều tôi rất suy nghĩ. Giả thử các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh không sớm bị vạch ra mà lại lọt vào Quốc hội thì hậu quả sẽ thế nào? Hết sức nguy hiểm.
Có nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật (2 thứ trưởng Bộ Nội vụ, 2 người nguyên Ủy viên TƯ- NV) vì liên quan tới Trịnh Xuân Thanh. Đó là thể hiện tinh thần không nể nang né tránh trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
- Bước đầu như vậy đúng là thể hiện việc không có sự nể nang, né tránh, nhưng không thể nghĩ một cách đơn giản như vậy rồi yên tâm được. Việc làm trên bước đầu tạo được lòng tin cho Nhân dân về quyết tâm của TƯ trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhưng phải nhớ trước đây ở thời kỳ chúng tôi còn công tác việc này cũng đã được làm quyết liệt.
Ở nhiệm kỳ TƯ khóa VI, chúng ta đã từng đưa một đồng chí trong Bộ Chính trị có quan điểm không đúng đường lối của Đảng ra khỏi vị trí lãnh đạo. Nhiệm kỳ TƯ khóa VII, có đồng chí việc mới thì tốt nhưng việc cũ của đồng chí đó lại không thẳng thắn, minh bạch nên cũng bị xử lý...
Cách xử lý của Đảng ta có cái hay là dù các đồng chí bị kỷ luật hay không bị kỷ luật, nhưng tình cảm con người, đồng chí với nhau vẫn chân tình, đúng mực, đối xử với nhau vẫn tốt đẹp. Nói như vậy vì tôi cũng mong tinh thần đó tiếp tục được quán triệt. Có như vậy Đảng mới được Nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Văn kiện của Đảng nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhưng để phát hiện phanh phui bộ phận không nhỏ này như Trịnh Xuân lại không dễ, thưa ông?
- Làm việc gì cũng có cái khó nhưng không được chậm trễ, phải làm sao cho tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc được ý nghĩa của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm thế nào để Ủy ban Kiểm tra ở các nơi tự làm để phát hiện ra những vi phạm, không cần phải chờ cấp trên "xuống" tay. Cái đó mới là sức mạnh.
Còn nếu bên trên mạnh và bên dưới không mạnh thì trên làm sao làm xuể được. Cấp trên cần tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cái gốc của vấn đề từ cơ chế chính sách, từ đội ngũ cán bộ chủ chốt. Khi tạo được cơ chế phù hợp sẽ phát huy được vai trò của cấp dưới.
Còn vế nữa tôi cũng muốn nói là chúng ta chưa phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong việc đấu tranh chống tiêu cực và các biểu hiện tiêu cực. Như việc người dân góp phần phát hiện tiêu cực, góp ý về đường hướng giải quyết... Nhân dân có thể góp được những ý kiến rất thiết thực cho các đồng chí lãnh đạo TƯ.
Tôi nghĩ việc này chúng ta phải cố gắng làm. Nếu chỉ làm vài vụ việc theo kiểu báo chí đưa tin đâu thì cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý thì không thể tạo sự yên tâm. Làm sao tạo được sự đồng bộ, TƯ làm rồi, địa phương cũng phải quyết liệt.
Xin cảm ơn ông.
“Cách xử lý của Đảng ta có cái hay là dù các đồng chí bị kỷ luật hay không bị kỷ luật, nhưng tình cảm con người, đồng chí với nhau vẫn chân tình, đúng mực, đối xử với nhau vẫn tốt đẹp. Nói như vậy vì tôi cũng mong tinh thần đó tiếp tục được quán triệt. Có như vậy Đảng mới được Nhân dân tin tưởng, yêu mến” - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.