Ngành Công Thương 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Hàng chục triệu người dân hưởng lợi

Ngọc Thọ Thứ năm, ngày 03/10/2019 05:20 AM (GMT+7)
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã liên kết với hội nông dân các địa phương mở đại lý bán phân bón cho nông dân với hình thức trả chậm không tính lãi; Công đoàn Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp nông thôn với giá ưu đãi và trả tiền sau;
Bình luận 0

Ngày 2/10/2019 tại TP. Thanh Hóa, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương giai đoạn 2010 - 2020.

Tham dự có ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNTNT, ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thách thức nhiều, thành quả lớn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, trải qua gần 10 năm (2010-2019) xây dựng NTM mặc dù gặp không ít thách thức nhưng với quyết tâm của cả ngành Công Thương và sự chung tay đồng thuận từ phía người dân, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hệ thống lưới điện khu vực nông thôn cả nước hoàn thiện nhờ được đầu tư, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của người dân. Số liệu từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng số vốn cả nước đã đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn tính đến nay là 48.291 tỷ đồng. Việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Người dân trước đây phải sử dụng điện giá cao, chất lượng điện không ổn định thì nay đã được mua điện với giá thống nhất theo quy định của Chính phủ. Tương tự với tiêu chí số 7, hệ thống chợ được đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa.

Ngành Công Thương 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Hàng chục triệu người dân hưởng lợi - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế lắp đặt công tơ mới cho người dân. Ảnh: Ngọc Thọ

Đến cuối năm 2018, EVN đã tiếp nhận tổng số gần 6.000 xã, quản lý bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

Thông qua phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM”, các đơn vị thuộc Bộ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công Thương nhiệt tình hưởng ứng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã liên kết với hội nông dân các địa phương mở đại lý bán phân bón cho nông dân với hình thức trả chậm không tính lãi; Công đoàn Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp nông thôn với giá ưu đãi và trả tiền sau; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành dự án cấp điện đến hộ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc và đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo…

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong 10 năm triển khai tiêu chí số 4, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do đặc thù lưới điện nông thôn trải trên địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông, nhiều hộ dân sinh sống rải rác. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình lưới điện mới ngày càng khó khăn, đặc biệt là lưới truyền tải điện 220/110 kV. Trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018. Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình đề ra. 

Ngành Công Thương 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Hàng chục triệu người dân hưởng lợi - Ảnh 2.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, lắp đặt bóng đèn compact tiết kiệm điện cho nông dân. Ảnh: Ngọc Thọ

EVN đề nghị UBND các tỉnh cũng cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm của tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, khi ngân sách trung ương chưa bố trí vốn, do các dự án cấp điện theo Chương trình này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư. Đồng thời, EVN kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kế hoạch và thống nhất danh mục các xã xây dựng nông thôn mới đồng bộ các nguồn lực để thực hiện tập trung 19 tiêu chí, sử dụng kết hợp các nguồn vốn có hiệu quả trong bối cảnh các nguồn vốn đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để có thêm vốn đầu tư xây dựng mới lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xã...

img

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, ngành Công Thương có đóng góp quan trọng trong thành quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Bộ NNPTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách chung và chính sách riêng trong lĩnh vực điện và thương mại nông thôn phù hợp với thực tế, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Đặc biệt, nỗ lực đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, huyện đảo, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng, các hình thức thương mại hiện đại đã phát triển ở khu vực nông thôn là điểm nhấn của ngành, đây cũng là tiêu chí vượt xa nhất so với mục tiêu mà Chính phủ giao.

Khởi đầu nhưng không có điểm kết

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, Chương trình MTQG Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2020, phấn đấu có 95% số xã đạt tiêu chí số 4; 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 7, các đơn vị thuộc Bộ cần nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp phù hợp.

Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng NTM. 

Cục Công Thương địa phương phối hợp Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 giai đoạn sau năm 2020 theo hướng xác định rõ mục tiêu gắn với tình hình hình thực tế.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các tiêu chí số 4 và số 7 để nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời hướng dẫn hoặc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.

img

Các đơn vị, cá nhân nhận cờ của Bộ Công Thương.

Các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện tốt các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa… nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn góp phần hỗ trợ thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn.

Về phía Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Bộ Công Thương quan tâm rà soát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chí số 4 và 7; nâng cao chất lượng các tiêu chí, chủ động xây dựng vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và xây dựng định hướng thực hiện các tiêu chí trong giai đoạn tới.

Trong khuôn khổ hội nghị, 105 tập thể và 133 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM của ngành Công Thương giai đoạn 2010- 2020; 26 đơn vị được trao cờ thi đua do dẫn đầu phong trào thi đua “Ngành Công Thương xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem