10 tiêu chí xây dựng văn hóa đô thị ngoại thành TP.HCM
TP.HCM xây dựng văn hóa đô thị mới, hạn chế hệ lụy tiêu cực của đô thị hóa
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 07/03/2023 15:36 PM (GMT+7)
Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện ngoại thành TP.HCM cần có những tiêu chí, những chuẩn mực để mọi thành viên trong cộng đồng noi theo.
Thông tin trên là nội dung chính tại tại tọa đàm Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, do Sở Văn hóa Thể thao phối hợp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 7/3.
Đô thị hóa đang thách thức các giá trị văn hóa cộng đồng
Theo TS. Trương Hoàng Trương - Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược đối với đời sống ở các huyện ngoại thành.
Quá trình đô thị hóa ở ngoại thành có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng.
Quá trình đô thị hóa dẫn đến sự suy giảm các giá trị văn hóa cộng đồng. Bởi vì những giá trị đó thường được xây dựng và phát triển trong một không gian, với nền tảng lịch sử, truyền thống và tập quán của người dân dịa phuơng.
Đô thị hóa có thể dẫn đến những biến đổi về thành phần dân cư, không gian sinh hoạt, môi trường tự nhiên một cách nhanh chóng; và có thể làm giảm đi ít nhiều tình cảm, niềm tin và tự hào của nguời dân địa phương đối với nơi họ sinh sống.
"Vì thế, nếu không giữ gìn văn hóa cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng tại các huyện ngoại thành, những hệ lụy tiêu cực có thể xay ra, làm phai mờ và đánh mất tính cộng đồng của cư dân các huyện ngoại thành", TS Trương nói.
TS. Lê Thị Ngọc Điệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, hình thành nếp sống văn minh đô thị tại các vùng ngoại thành cần phải có những tiêu chí, những chuẩn mực làm căn cứ để mọi thành viên trong cộng đồng noi theo.
Những tiêu chí này cũng là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá theo lộ trình phát triển kinh tế, xã hội tại cơ sở.
Trong xu thế phát triển của TP.HCM, một yêu cầu mang tính tất yếu là đẩy mạnh việc xây dựng đô thị.
Điều đó có nghĩa là sự vận động và phát triển của đời sống văn hóa xã hội người dân các huyện cần có sự quan tâm để đầu tư, định hướng phát triển và đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với sự chuyển đổi đó.
Việc này nhằm tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.
"Đây cũng là cơ sở để rút ngắn sự chênh lệch giữa các quận và huyện, góp phần sự phát triển bền vững của TP.HCM", TS. Điệp nhấn mạnh.
Dựa trên kết quả khảo sát và nghiên cứu, TS. Điệp đề xuất 10 nhóm tiêu chí để định hướng xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM.
10 tiêu chí này gồm: Gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Nếp sống trật tự, vệ sinh, ngăn nắp; Ứng xử với gia đình; Hưởng ứng, tham gia các hoạt động đời sống văn hóa cơ sở; Nếp sống tiết kiệm; Nếp sống hiếu khách nghĩa tình; Nếp sống học tập; Nếp sống văn minh trong ăn, mặc; Y tế đô thị và Giáo dục đô thị.
Ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cho biết, Đề án Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TP.HCM là chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố.
Đề án này sẽ được triển khai về các huyện, nơi thụ hưởng các kết quả nghiên cứu, để các địa phương góp ý, rồi tích hợp vào đề án chung.
Nội dung đề án phải bám sát theo các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của từng địa phương cụ thể. "Từ những tiêu chí đề xuất hôm nay, Đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận tiến tới xây dựng những mô hình văn hóa đô thị mới, riêng biệt cho từng địa phương", ông Nam cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.