2 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt

Thiên Hương Thứ ba, ngày 14/09/2021 14:14 PM (GMT+7)
Sáng 14/9, Công ty Cổ phần Masan MEATLife ("MML") và Công ty TNHH De Heus đã ký kết Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác (MOU). Theo đó, các bên kì vọng thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần phát triển ngành thịt từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F.
Bình luận 0

2 "ông lớn" ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt

Tham dự Lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; ông Christoph Prommersberger - Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; TS.Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan; cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn, Công ty Masan MEATLife, Tập đoàn De Heus, Công ty TNHH De Heus.

2 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt - Ảnh 1.

Toàn cảnh lễ kí kết, sự tham gia của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; ông Christoph Prommersberger - Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)

Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác thể hiện rõ nét tinh thần của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư. Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho chuỗi giá trị đạm động vật nói riêng, mà còn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.

Sự kết hợp giữa De Heus - chuyên gia, nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm dinh dưỡng cho động vật và Masan – Tập đoàn Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, được xem là một sự kết hợp đầy triển vọng, có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chuỗi giá trị đạm động vật.

Theo đó, 2 doanh nghiệp sẽ cùng nhau góp phần tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm – Food) tại Việt Nam.

Masan tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực thịt mát có thương hiệu, còn De Heus sẽ ưu tiên tập trung cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài với những nhà chăn nuôi độc lập (gia súc, gia cầm, thủy sản), đồng hành, hỗ trợ, tư vấn và cung cấp các giải pháp chăn nuôi trọn gói, mang lại hiệu quả chăn nuôi tối ưu và bền vững cho khách hàng.

Thúc đẩy mô hình 3F nhằm đáp ứng nhu cầu thịt mát đảm bảo an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Các bên sẽ thành lập ban lãnh đạo để cùng nhau thảo luận về các hạng mục đầu tư chung và riêng của các dự án hiện tại hoặc trong tương lai. Đồng thời thảo luận về việc hợp tác trong chuỗi cung ứng sản xuất, nhằm đảm bảo dự đoán chính xác nhu cầu và nguồn cung ổn định của nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh doanh thịt ở giai đoạn sau của cung ứng.

2 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt - Ảnh 2.

Đại diện De Heus - ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Châu Á (bên trái ảnh) và đại diện Masan MEATLife - ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MEATLife hoàn tất ký kết MOU.

Phát biểu tại lễ kí, ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group kiêm Chủ tịch HĐQT Masan MEATLife - cho biết: "Tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa Masan MEATLife và De Heus sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, sánh vai cùng các nước phát triển. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cá đảm bảo an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam".

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi trở thành đối tác chiến lược của Masan MEATLife. Có thể thấy các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, phúc lợi động vật và sử dụng kháng sinh... áp dụng cho chuỗi giá trị đạm động vật ở thị trường Việt Nam đang ngày càng được triển khai và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, đây được xem là yếu tố quan trọng, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đạm động vật được nuôi trồng tại Việt Nam, so với các nước phát triển trên thế giới".

"Để đạt được mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt, đồng thời đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các đơn vị tham gia vào chuỗi giá trị cần có sự gắn kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng, cùng nhìn về một mục tiêu chung. Tôi tin rằng với bề dày kiến thức và kinh nghiệm tích lũy lâu năm của cả Masan và De Heus, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ đạt tới mục tiêu đề ra" – ông Gabor Fluit nói.

2 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ kí kết sáng nay. Ảnh chụp màn hình.

Tại lễ ký kết giữa 2 "ông lớn" ngành thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá: "Sự hợp tác giữa 2 tập đoàn phù hợp với định hướng của Bộ NNPTNT. Với thế mạnh của mỗi bên, các doanh nghiệp sẽ góp phần làm cho chuỗi ngành hàng thịt ngày càng phát triển. Qua đó, chuỗi ngành hàng này sẽ tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, nhất là những hợp tác xã, nông dân chăn nuôi - như lời của ông Vũ Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn - PV), ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan đã phát biểu".

"Tôi mong mỏi những giá trị hợp tác của 2 tập đoàn sẽ lan toả ra xã hội, kết nối với hệ sinh thái bên ngoài tạo ra hệ sinh thái lớn hơn giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân chăn nuôi. Hệ sinh thái này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, dù khó khăn nhưng sự mở ra này sẽ tạo thương hiệu bền vững cho chính các doanh nghiệp De Heus, Masan... Chắc chắn hệ sinh thái này sẽ nhân đôi lợi nhuận cho các tập đoàn và đem lại những giá trị cho xã hội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

2 “ông lớn” ngành thức ăn chăn nuôi kí kết hợp tác, kì vọng tạo đột phá cho ngành thịt - Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn De Heus.

Đánh giá về sự kiện này, bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hà Lan tại Việt Nam cho biết, De Heus là công ty hàng đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi tại Hà Lan. Và tương tự, Masan MEATLife cũng có một vị thế vững vàng trong ngành tiêu dùng tại Việt Nam.

Hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan cũng đã và đang hợp tác chiến lược trong nhiều năm qua trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh thực phẩm, quản lý nước, biến đổi khí hậu.

Sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh thực phẩm được ký kết bởi Thủ tướng của 2 quốc gia là minh chứng cho sự hợp tác thành công trong mảng nông nghiệp, và cho thấy tình hữu nghị bền chặt giữa hai bên. Hà Lan sẽ vẫn tiếp tục là đối tác nông nghiệp và là nước bạn của Việt Nam trong tương lai. Hơn thế nữa, những sáng kiến hợp tác tương tự giữa hai nước là thiết yếu để chúng ta có thể tận hưởng tối đa các quyền lợi của hiệp định EVFTA.

"Việt Nam và Hà Lan đều cam kết hướng tới sự phát triển bền vững toàn cầu và khối doanh nghiệp tư nhân là yếu tố chủ chốt trong việc thi hành một cách có trách nhiệm và bền vững. Chúng ta chỉ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững khi kết hợp các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận với sự quan tâm chân thành cho nhân loại và cho trái đất. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sự hợp tác chiến lược giữa 2 công ty De Heus và Masan sẽ cải thiện chuỗi giá trị đạm động vật tại Việt Nam, không chỉ về tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn cải thiện cuộc sống của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và người tiêu dùng" – bà Đại sứ nhấn mạnh.

Gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2009 tới nay, De Heus đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất và có uy tín. De Heus hiện đang cung ứng cho hàng triệu hộ chăn nuôi, nuôi trồng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu cùng các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm như quản lý trang trại, sức khỏe vật nuôi, an toàn sinh học, cắt giảm kháng sinh trong sản xuất và tư vấn thiết kế trang trại.


Trong khi đó, Masan MEATLife (công ty thành viên của Tập đoàn Masan) được thành lập với sứ mệnh mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt với chất lượng chất lượng vượt trội, có thể truy xuất nguồn gốc và giá cả hợp lý. Tầm nhìn của Masan MEATLife là trở thành công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hàng đầu, tập trung vào các sản phẩm thịt có thương hiệu bằng cách nâng cao năng suất của chuỗi giá trị thịt tại Việt Nam.


Công ty TNHH MNS Feed (thuộc Masan Group) hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 5 nhà máy nhận chuyển giao từ Anco và 2 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất lên đến 3,78 triệu tấn thức ăn. Các nhà máy thành viên của MNS Feed sản xuất thức ăn chăn nuôi từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) đến thủy sản (cá, tôm).

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem