20 năm kể từ ngày những con cá tầm, cá hồi được nuôi ở Việt Nam, đến nay đàn cá này phát triển ra sao?
20 năm kể từ ngày những con cá tầm, cá hồi được nuôi ở Việt Nam, đến nay đàn cá này phát triển ra sao?
Văn Long
Thứ ba, ngày 11/06/2024 05:41 AM (GMT+7)
Trong 20 năm qua, sản lượng cá nước lạnh tại Việt Nam đã tăng mạnh qua các năm, đến năm 2023 đã đạt hơn 4.600 tấn. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tập trung phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh.
Vừa qua, tại TP.Đà Lạt, Cục Thủy sản (thuộc Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị đã tổng kết, đánh giá được những thành tựu của ngành nuôi cá nước lạnh, đưa ra được những khó khăn và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, từ năm 2004, cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đến năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu thông qua nhiều đề tài/dự án.
Đến nay, Lâm Đồng cũng như Lào Cai đã trở thành hai địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô lẫn sản lượng nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Quy trình sản xuất giống cá tầm đã tạo bước đột phá trong việc sản xuất cá tầm tại Việt Nam. Các quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm đã được Tổng cục Thủy sản công nhận là tiến bộ kỹ thuật vào năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, hoạt động phát triển cá nước lạnh tại Lâm Đồng được bắt đầu từ năm 2006. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm với tổng diện tích khoảng 54ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện. Diện tích nuôi cá nước lạnh chủ yếu tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP. Đà Lạt.
"Hiện nay, sản lượng cá nước lạnh (cá tầm) tại Lâm Đồng đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt 450 tỷ đồng góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương.
Hàng năm sản xuất trên 5 triệu con cá tầm giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất cá tầm tại địa phương trong tỉnh và xuất bán cho một số tỉnh trong cả nước. Việc tiêu thụ sản phẩm cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tương đối thuận lợi, do đã hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ" - ông Nguyễn Văn Châu thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình An - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Việt Nam đã ghi danh đậm nét trên bản đồ cá tầm thế giới. Hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư, hàng ngàn công ăn việc làm từ Nam đến Bắc đã được tạo ra.
Cá tầm đã được người tiêu dùng lựa chọn là món yêu thích trên mâm cơm gia đình Việt, trên bàn tiệc cưới, món ngon bổ dưỡng tặng nhau trong những dịp đặc biệt. Ở Lâm Đồng hiện tại đã hàng trăm hộ nuôi cá tầm, sản lượng hàng ngàn tấn/năm, đứng đầu cả nước. Ngành nuôi cá nước lạnh đã giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời ổn định an sinh, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn.
Phát triển theo hướng công nghiệp
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có:
109 cơ sở nuôi cá nước lạnh
Diện tích khoảng 54ha
Với số lượng 640 lồng
Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh, ông Nguyễn Văn Hữu - Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt nam (trừ cá tầm Beluga do tuổi thành thục dài, chưa cho trứng và cá tầm Trung Hoa chậm lớn ít người nuôi) thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Xibêri và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh ở các vùng cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
"Trong thời gian tới, quan điểm phát triển ngành cá nước lạnh là khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh để tạo ra sản phẩm có giá trị cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng về nguồn nước lạnh khi có đủ điều kiện" - ông Nguyễn Văn Hữu phát biểu.
Trong khi đó, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, nhìn chung, nghề nuôi cá nước lạnh đã mang lại thu nhập rất ổn định đến cao cho người dân, người nuôi. Từ khi phát triển đến nay, các cơ quan nhà nước luôn mong muốn nghề nuôi cá nước lạnh sẽ giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt hơn.
"Thời gian qua, nghề nuôi cá nước lạnh đã tăng trưởng khá tốt từ sản lượng đến năng suất, tăng trưởng gần 50% mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, nuôi cá nước lạnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nước nuôi sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, nóng cực nóng, lạnh cực lạnh...Nếu không chuyển giao, quản lý tốt, ô nhiễm môi trường thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, sản lượng.
Trải qua 20 năm phát triển, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để làm cho thật bài bản. Các doanh nghiệp cần cân đối, duy trì đàn cá bố mẹ, để chủ động nguồn gốc cá giống trong thời gian tới, không lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Đặc biệt, việc quản lý nguồn gốc cá giống phải làm theo quy định của pháp luật" - ông Trần Đình Luân nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.