6 cây cảnh "tham ăn", mùa thu cần đổi chậu ngay nếu không cây sẽ gày còm, ốm yếu
6 cây cảnh "tham ăn", mùa thu cần đổi chậu ngay nếu không cây sẽ gày còm, ốm yếu
Diệp Diệp
Thứ năm, ngày 29/09/2022 06:16 AM (GMT+7)
Đây là 6 cây cảnh có bộ rễ phát triển nhanh, có nhu cầu "ăn đất" rất lớn. Vào mùa thu bạn nên thay chậu, đổi đất càng sớm càng tốt nếu không cây sẽ phát triển kém.
Trong quá trình trồng cây cảnh, việc thường xuyên thay chậu trồng cây cũng là một biện pháp bảo dưỡng rất quan trọng, nhất là đối với một số cây cảnh có bộ rễ phát triển, nhanh ra rễ và "tham ăn".
Nếu không thay chậu, đổi đất kịp thời thì cả chậu chỉ còn lại toàn rễ lộn xộn, già yếu, không mọc được rễ mới. Lúc này, bạn cần nhổ cây, cắt tỉa các rễ già yếu, thay đất màu mỡ, dưỡng chất để cây được phát triển tốt.
Dưới đây là 6 cây cảnh đặc biệt "tham ăn" mà bạn cần phải đổi đất cho chúng ngay vào mùa thu này.
Cây cảnh lan quân tử rất được ưa chuộng, có thể trồng để ngắm lá và hoa. Dù chưa nở hoa nhưng lá của chúng rộng và xanh mướt, xếp gọn gàng như một chiếc quạt lớn rất đẹp và có giá trị làm cảnh rất cao.
Nhưng cây cảnh lan quân tử có yêu cầu cao về đất. Bộ rễ nhiều thịt của nó phát triển nhanh, có thể lấp đầy chậu trong một hoặc hai năm. Do đó, bạn cần thay đất hàng năm để cây cảnh phát triển mạnh mẽ và nảy mầm ra những chiếc lá mới.
Cách đổi đất:
Khi thay chậu cho cây cảnh có rễ mọng nước như lan quân tử, cần kiểm soát lượng nước trước vài ngày. Tức là ngừng tưới, để bầu đất khô một chút và làm cho bộ rễ mềm ra thì cây cảnh mới bớt bị ảnh hưởng trong quá trình đổi chậu, thay đất.
Sau khi nhấc cây cảnh ra khỏi chậu, bạn cắt tỉa những rễ già và thối, khử trùng vết thương bằng carbendazim hoặc tro thực vật, sau đó trồng vào đất dinh dưỡng tơi xốp và màu mỡ.
2. Cây cảnh: Hoa nhài
Hoa nhài là loài hoa có mùi thơm nồng và nở liên tục quanh năm. Tuy nhiên nếu trồng lâu ngày cây cảnh dễ bị vàng lá, không nảy mầm ra những cành hoa mới.
Trường hợp này bạn cần phải thay chậu mới và xới đất càng sớm càng tốt. Bạn nên cắt tỉa bộ rễ già và yếu, thay vào đó là đất mềm và màu mỡ để cây cảnh có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Cách thay đất:
Rễ cây cảnh này mọc rất nhanh, khi đổi chậu bạn cần cắt tỉa những rễ có lông lộn xộn, những rễ già yếu cũng có thể cắt tỉa hợp lý.
Loại cây cảnh này hoàn toàn có thể nảy mầm nhiều rễ mới khỏe hơn, tăng cường khả năng hấp thụ. Đất trồng hoa nhài cần tơi xốp, thoáng khí, giàu mùn để cây phát triển mạnh mẽ hơn sau khi thay chậu.
3. Cây cảnh: Lưỡi hổ
Lưỡi hổ là loại cây cảnh có lá rất đẹp, cao, thẳng, màu tươi sáng rất thích hợp để trồng trong nhà. Tuy nhiên, nếu lâu ngày không thay chậu thì giai đoạn sau cây cảnh sẽ không dễ mọc chồi mới, cây sinh trưởng ngày càng kém.
Cách thay đổi đất
Lưỡi hổ là loại cây thảo sống lâu năm, tốc độ ra rễ nhanh. Nếu không thay chậu lâu ngày bộ rễ sẽ phát triển thành xập xệ, cây đã già và khả năng hấp thụ kém.
Khi chuyển chậu cần tỉa bỏ những rễ già yếu, nếu lá quá rậm cần chia nhỏ thành các chậu cây mới, xới lại đất tơi xốp, thoáng khí, giàu dinh dưỡng để gieo trồng.
Sau khi cây cảnh phát triển bình thường trở lại, các chồi mới có thể tiếp tục mọc lên.
4. Cây cảnh: Kim tiền
Đây cũng là một loại cây cảnh lá thường được trồng trong gia đình. Loại cây này cũng cần được thay đất 2 đến 3 năm một lần. Nếu không chất dinh dưỡng trong đất sẽ ngày càng khan hiếm, dễ hình thành xơ cứng, không có lợi để cây mọc những lá mới.
Cách thay đổi đất:
Cây cảnh kim tiền nảy mầm từ bộ rễ bên dưới. Nếu bầu đất cứng và chắc thì ở giai đoạn sau rất khó nảy mầm.
Khi thay đất trồng, bạn cần chuẩn bị đất trồng tơi xốp, thoáng khí cho cây cảnh, tỉa bỏ những rễ già, yếu, nhặt sạch những phần rễ bị thối, làm tốt công tác tiêu độc khử trùng rồi mới tiến hành thay chậu.
5. Cây cảnh: Trầu bà
Trầu bà là một trong những loại cây thân lá được trồng phổ biến. Cây cảnh có lá tươi tốt, xanh tươi quanh năm, khi đặt trong nhà rất giúp môi trường tươi mát tự nhiên, có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt.
Tuy nhiên, trầu bà trồng lâu ngày có thể bị dài loằng ngoằng, lá ngả vàng, lâu ngày không mọc cành mới, hay ra lá mới.
Trong trường hợp này, phần lớn chất dinh dưỡng trong bầu đất không đủ, hoặc bộ rễ bị thối rữa, cần thay chậu và thay đất kịp thời.
Cách thay đổi đất:
Cây cảnh trầu bà nếu mấy năm không được thay chậu, bộ rễ sẽ mọc đầy chậu, không còn nhiều đất cho cây cảnh "ăn".
Loại cây cảnh này "ăn đất" rất khỏe, nên khi thay đất, cần cắt tỉa bớt rễ và chỉ giữ lại một lượng nhỏ hệ thống rễ khỏe.
Nếu có rễ bị thối thì cắt bỏ rễ trực tiếp, chỉ trồng những cành khỏe vào chậu, sau nửa tháng rễ mới có thể mọc trở lại và phát triển mạnh mẽ trở lại.
6. Cây cảnh: Dây nhện
Cây cảnh dây nhện có lá mảnh, xanh tươi quanh năm. Cây cảnh này không chỉ đẹp, trang nhã mà còn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt.
Đối với cây cảnh dây nhện trồng trong chậu, muốn cây phát triển xum xuê tốt nhất nên thay bầu đất hàng năm. Nếu không cây cảnh sẽ ngày càng xấu đi, việc cung cấp dinh dưỡng không đủ khiến lá bị khô ngọn, vàng úa.
Cách thay đổi đất:
Bộ rễ của cây cảnh dây nhện phát triển tốt. Sau một hai năm trồng thì bộ rễ sẽ choán hết cả chậu cây, rễ mọc lộn xộn.
Do đó, khi đổi chậu thì nên cắt bỏ những rễ già, chỉ để lại 1 ít rễ khỏe, trồng bằng đất tơi xốp, thoáng khí. Sau khoảng 1 tháng thay chậu, cây có thể hồi phục sức sống trở lại.
Trên đây là 6 loại cây cảnh có tốc độ ra rễ nhanh, nếu không đổi chậu lâu cây sẽ ngày càng xấu đi. Do đó, vào mùa thu tiết trời mát mẻ, bạn nhanh chóng đổi chậu, thay đất để cây được cung cấp đủ dinh dưỡng và phát triển xanh tươi trở lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.