Đây là chia sẻ của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tại Tọa đàm "Xuất khẩu Việt Nam trước thách thức bị áp thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ - kinh nghiệm từ ngành mật ong" do báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây.
Theo ông Dũng, quan hệ kinh tế của Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng thời gian qua. Với nhiều mặt hàng tăng kim ngạch với Hoa kỳ - là tác động tích cực. Tuy nhiên, điều này khiến cho các ngành sản xuất của Hoa Kỳ bị áp lực cạnh tranh, từ đó họ nhờ Chính phủ điều tra áp chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam.
Thực tế, các ngành sản xuất của Việt Nam đang đối mặt với khởi kiện phòng vệ khi mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ - quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ngành mật ong là trường hợp rất điển hình, chúng ta xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ với tốc độ tương đối nhanh.
Hai là, ngành mật ong có 1,74 triệu đàn ong, hơn 3,5 vạn hộ nuôi ong, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều nông dân. Phần lớn họ đều là hộ cá nhân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ.
Một đặc thù nữa, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ.
Khi các nhà sản xuất mật ong tại Hoa Kỳ thấy rằng, mật ong xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng lên, họ đã tiến hành điều tra sơ bộ và đưa ra mức thuế sơ bộ trên 400% đối với sản phẩm mật ong nhập khẩu của Việt Nam.
Nguyên nhân, ngành nuôi ong của chúng ta phần lớn là hộ gia đình nhỏ nên không có chứng từ chứng minh chi phí sản xuất nên khi phải cung cấp số liệu cho cơ quan của Hoa Kỳ là gần như không thể. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho Hoa Kỳ không sử dụng số liệu của Việt Nam mà sử dụng của nước khác để tính toán.
Vì vậy mức thuế sơ bộ cao trên 400%. Với mức thuế này, chúng ta sẽ không xuất khẩu được sang Hoa Kỳ, cho dù chúng ta rất nỗ lực. Sau khi có mức thuế sơ bộ trên 400%, chúng ta tiếp tục tăng cường nỗ lực, tiếp tục tổng hợp thêm số liệu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiều lần trao đổi với đặc phái viên của Hoa Kỳ về sản phẩm, thực tế nuôi ong của VN và trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ để họ điều chỉnh phương án điều tra, tính toán. Kết quả, thuế điều chỉnh từ 400% xuống dưới 60%.
Việc thuế giảm về dưới mức 60% giúp chúng ta mở cửa trở lại xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ, đồng thời sẽ có cơ hội đề nghị Hoa Kỳ rà soát lại thuế này trong tương lai. Về pháp lý đây là yếu tố quan trọng.
Từ tháng 5 đến nay, kim ngạch xuất khẩu mật ong đều tăng. Vụ việc của ngành này điển hình là bài học lớn cho các ngành khác. Ngành thủy sản cũng có kinh nghiệm ứng phó với phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Ông Lê Triệu Dũng, khẳng định hiện năng lực phòng vệ thương mại của ngành sản xuất trong thời gian qua gia tăng nhanh. Năm 2018, trên 20% doanh nghiệp hiểu nắm được quy định về PVTM, vừa qua tỷ lệ này tăng lên gần 70%.
Về phía Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động nâng cao năng lực PVTM kể cả văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng cao năng lực PVTM, trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các doanh nghiệp, hiệp hội đã chủ động hơn trong việc tiếp cận, ứng phó, xử lý, kháng kiện các vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như đã chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM, và cơ quan có liên quan, chủ động tổng hợp xử lý số liệu và chủ động trong việc hợp tác với cơ quan điều tra.
Một số doanh nghiệp chủ động thành lập bộ phận pháp chế chuyên phụ trách các vụ việc PVTM trong nội bộ công ty. Cụ thể với ngành mật ong, năng lực ứng phó và nhận thức chuyển biến nhanh. Năm 2020, Bộ Công Thương có cảnh báo, nhưng chưa nhận được sự quan tâm nhiều. Nhưng đến khi điều tra, ngành mật ong đã có kết hợp với BCT ngay từ ban đầu, khắc phục điểm yếu.
Đây là bài học quan trọng giúp chúng ta ứng phó thành công. Ngoài ra, Chính phủ và ngành liên quan sẵn sàng kênh trao đổi, kênh pháp luật để bảo vệ sản xuất xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng khiếu nại và đưa vụ việc ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp PVTM được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.