AIPA 41: Các nữ nghị sĩ thông qua Nghị quyết về đảm bảo việc làm và thu nhập

Thành An Thứ tư, ngày 09/09/2020 08:13 AM (GMT+7)
Các nữ nghị sĩ AIPA 41 đã thông qua Nghị quyết về đảm bảo việc làm và thu nhập, trong đó có nhiều chính sách và biện pháp hiệu quả mà các nước đã, đang và sẽ thực hiện nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41 Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là AIPA 41), ngày 8/9, đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) bằng hình thức trực tuyến về tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ.

Nhiều chính sách và biện pháp hiệu quả mà các nước đã, đang và sẽ thực hiện nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ đã được chia sẻ trong Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nữ giới mất việc lớn hơn

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện nữ nghị sĩ Brunei cho biết nước này có sự ưu tiên rất lớn về vấn đề phụ nữ trong chương trình nghị sự. Tỷ lệ nữ có việc làm khoảng 89% năm 2019 và chiếm 62% lực lượng lao động. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rủi ro mất việc của nữ lớn hơn do ảnh hưởng từ Covid-19.

AIPA 41: Các nữ nghị sĩ thông qua Nghị quyết về đảm bảo việc làm và thu nhập - Ảnh 1.

Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA) bằng hình thức trực tuyến về tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ.

Để bảo vệ sức khỏe và việc làm của người dân, nghị viện Brunei luôn cân nhắc hỗ trợ lao động nữ cả về quy trình và pháp lý, cũng như khuyến khích khối tư nhân có sự hỗ trợ với nhân viên nữ.

"Brunei khuyến khích các nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy hoạt động cụ thể để phụ nữ tiếp cận công việc hiệu quả. Chúng tôi liên tục lên tiếng để trao quyền lớn hơn cho phụ nữ, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế để cùng nhau hưởng lợi" – đại diện Brunei nhấn mạnh.

Về phía mình, đại diện Campuchia cũng cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến việc làm của lao động nữ. Trước tình hình trên, Campuchia nỗ lực hỗ trợ người mất việc làm hoặc bị ảnh hưởng, nhất là ở ngành dệt may. Cùng với đó là đầu tư chương trình nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

"Chúng tôi đang tái cơ cấu lại một số ngành trọng điểm, trong đó có du lịch, giao thông, triển khai nhiều chương trình bảo trợ xã hội để bảo trợ nhóm yếu thế, đặc biệt là đối tượng phụ nữ vùng nông thôn" – nữ nghị sĩ chia sẻ và cho biết nước này thành lập nhóm nghị sĩ để có thể tăng cường nhận thức người dân, kết hợp sự tham gia giữa chính quyền Trung ương và địa phương.

Chia sẻ về việc này, nữ nghị sĩ đại diện Indonesia nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp tục có biện pháp cần thiết để xử lý vấn đề này. Tất nhiên đây cũng là thử thách năng lực của chúng ta để đoàn kết, nâng cao năng lực. Nữ nghị sĩ AIPA cung cấp ý tưởng đảm bảo thu nhập và việc làm cho phụ nữ trong ASEAN. Tôi tin tưởng với ý chí chính trị ngày càng mạnh mẽ, vai trò AIPA sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền lớn hơn cho phụ nữ".

Cần nhận thức rõ vai trò của người phụ nữ

Đại diện Nghị viện Lào cho hay, nước này đang thực hiện những chương trình về bình đẳng giới, Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ... Đây là công cụ pháp lý quan trọng để Lào ban hành luật liên quan đến phụ nữ, gia đình và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện như mức lương tối thiểu, đảm bảo việc làm bình đẳng trong xã hội.

Về đảm bảo việc làm, Chính phủ Lào hỗ trợ nâng cao khả năng nghề nghiệp cho các đối tượng khác nhau, trong đó có chương trình hỗ trợ, trợ cấp thêm cho đối tượng nữ tham gia vào thị trường việc làm. Quốc hội Lào đã thông qua dự luật bình đẳng giới để thúc đẩy quyền cũng như vai trò của phụ nữ trong xã hội, đảm bảo bình đẳng trong việc làm.

Trong phát biểu của mình, đại diện nữ nghị sĩ Singapore đánh giá cao việc sắp xếp của nước chủ nhà để hội nghị được diễn ra bằng hình thức trực tuyến, đồng thời chúc mừng Việt Nam lãnh đạo hiệu quả và tài tình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

"Chúng tôi vui mừng thông báo rằng các biện pháp đang được Singapore thực hiện để nâng cao đóng góp của nữ nghị sĩ. Gần 30% nghị sĩ nữ đã được bầu trong cuộc bầu cử vừa qua" – đại diện Singapore nói, đồng thời nhấn mạnh điều đó hướng đến cơ hội, tiếp cận bình đẳng với nguồn lực cần thiết, nhằm trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ và bé gái.

Nhấn mạnh sự cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình, nữ nghị sĩ Singapore cho biết các công ty nước này tạo điều kiện để giúp lao động nữ có lịch làm việc linh động, thúc đẩy trách nhiệm với gia đình.

Trong khi đó, đại diện Philippines cho rằng, nếu Hội nghị thông qua được nghị quyết về việc làm và thu nhập đối với lao động nữ sẽ tạo nền tảng để thiết lập ra điều luật, nghị quyết thực hiện mục tiêu này.

Đại diện Philippines cũng nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò quan trọng trong chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái, đại diện Philippines cho rằng, cần nhận thức rõ giá trị của người lao động cả trong thị trường lao động cũng như lao động tại gia đình. Do đó cần có biện pháp thiết thực hơn nhằm hỗ trợ nhóm yếu thế như nhóm ở nhà chăm sóc gia đình, con cái.

Sau khi thảo luận, các nữ nghị sĩ đã thông qua Nghị quyết chung về thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ với 5 nhóm nội dung. Trong đó, có 3 nhóm nội dung quyết nghị kêu gọi các nước ASEAN hành động có trách nhiệm; trách nhiệm của nghị viện thành viên thể hiện qua chức năng lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách; nhấn mạnh vai trò nữ nghị sĩ, đặc biệt là thực hiện chức năng đại diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem