Ba trận thủy chiến lẫy lừng chống giặc phương Bắc trên sông Bạch Đằng nổi tiếng Việt Nam
Ba trận thủy chiến lẫy lừng chống giặc ngoại xâm trên cùng một dòng sông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Minh Hoàng (TH)
Thứ ba, ngày 12/12/2023 17:05 PM (GMT+7)
Có một dòng sông nổi tiếng gắn liền với 3 trận đánh với chiến công lẫy lừng của quân, dân Đại Việt chống lại quân xâm lược phương Bắc. Đó là dòng sông Bạch Đằng, một dòng sông cổ tồn tại cho đến ngày nay, là địa phận giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.
Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội ngày nay.
Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam
Đó là trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) thờ Ngô Quyền; đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Đặc biệt khu di tích đền Tràng Kênh ở Hải Phòng thờ cả ba vị anh hùng Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Đền thờ Trần Hưng Đạo bên dòng sông Bạch Đằng, phường Yên Giang, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn - Thái Bình (Báo Quảng Ninh).
1: Trận Bạch Đằng 938 và chiến thuật đóng cọc gỗ kinh điển của Ngô Quyền
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân Việt Nam - thời đó gọi là Tĩnh Hải quân và chưa có quốc hiệu chính thức - do Ngô Quyền lãnh đạo với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Nguyên nhân dẫn đến trận đánh bắt đầu từ năm năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ (bố vợ của Ngô Quyền) để chiếm quyền, nhưng lại không có chỗ dựa chính trị vững chắc nên đã cầu cứu nhà Nam Hán để bảo vệ quyền lực của mình.
Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy.
Theo sử sách, khi nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng:
“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.
Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, Ngô Quyền sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp.
Khi cuộc chiến diễn ra, ông đã nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến. Kết quả, quân Nam Hán thảm bại, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lược.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
2: Trận Bạch Đằng 981 - kế mai phục của Lê Đại Hành
Trận Bạch Đằng 981 là một trận đánh có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh giữa nước Tống và Đại Cồ Việt, diễn ra từ tháng 1-4/981.
Năm 979, sau khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, tranh chấp quyền lực trong cung đình đã xảy ra giữa phe của Lê Hoàn (941-1005) và một số đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng. Lê Hoàn đã giết chết các đối thủ và củng cố sự kiểm soát triều đình.
Thấy triều đình nước Việt rối ren, nhà Tống ráo riết chuẩn bị đưa quân đánh chiếm Đại Cồ Việt. Trước tình hình đó, Lê Hoàn lên ngôi vua (sử thường gọi là Lê Đại Hành), lấy niên hiệu là Thiên Phúc.
Đầu năm 981, vua nhà Tống cho quân sang đánh Đại Cồ Việt. Chiến sự diễn ra ác liệt cả trên bộ và trên sông trong nhiều tháng trời giữa quân đội hai bên. Đến giữa tháng 4/981, thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo thống lĩnh thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến đối phương đã phải quay về sông Bạch Đằng và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trước tình hình này Lê Đại Hành đã chuẩn bị cho một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn.
Ngày 28/4/981, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi vờ “thua chạy”. Quân Tống đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục và bị hủy diệt gần như toàn bộ.
Sau thất bại của đạo quân thủy, quân bộ của nước Tống hoảng sợ bỏ chạy về nước, bị truy kích và tiêu diệt quá nửa. Sau cuộc chiến tranh này, nhà Tống đã phải thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt.
3: Trận Bạch Đằng năm 1288 – sự hồi sinh của lịch sử
Vào năm 1287, nhà Nguyên mở đầu cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người, lại bị mất đoàn thuyền chở lương trong trận Vân Đồn. Trước tình thế bất lợi, quân Nguyên tổ chức rút về nước theo nhiều hướng khác nhau.
Di tích bến đò Rừng nằm bên tả ngạn sông Bạch Đằng, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Thuở xưa là nơi đưa khách qua sông Bạch Đằng. Tương truyền dưới gốc cây Quếch tại bến đò có bà hàng nước phục vụ khách qua sông. Bà hàng nước đã cung cấp tỷ mỉ về lịch con nước lên xuống góp phần tạo chiến thắng lẫy lừng năm 1288. Ảnh: Hùng Sơn - Thái Bình (Báo Quảng Ninh).
Vào tháng 3/1288, đạo quân thủy của kẻ xâm lược do Ô Mã Nhi thống lĩnh rút qua ngả sông Bạch Đằng, nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử bằng trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền trước quân Nam Hán năm 938. Lần này, danh tướng Trần Hưng Đạo quyết định áp dụng kế sách của tiền nhân để tiêu diệt quân xâm lược.
Trần Hưng Đạo nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng để vạch ra thế trận cọc và bố trí mai phục quân Nguyên. Trận đánh mở đầu bằng những đòn nhử của thủy quân Đại Việt. Quân Nguyên tiến hành truy kích và rơi vào bãi cọc lúc nào không hay. Khi nước triều rút, thảm họa đã ập xuống đầu quân xâm lược.
Những con thuyền lớn của phương Bắc bị dồn ứ, tan vỡ khi va vào những chiếc cọc nhọn hoắt, trong khi quân mai phục của Đại Việt tràn ra từ hai bên bờ với khí thế ngút trời. Kết cục tất yếu đã xảy ra: quân Nguyên thảm bại, mất 4 vạn quân, 400 chiến thuyền và nhiều tướng lĩnh chủ chốt bị bắt sống.
Trận thắng trên sông Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần 3. Kể từ đó về sau, nhà Nguyên không bao giờ còn dám nghĩ đến chuyện xâm chiếm Đại Việt nữa.
Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là một trong những trận đánh nổi bật nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.