Bạc Liêu: Chàng tỷ phú nông dân nuôi la liệt cá, tôm "độc, lạ" bắt bán cả trăm tấn mà phát tài
Bạc Liêu: Chàng tỷ phú nông dân nuôi la liệt cá, tôm "độc, lạ" bắt bán cả trăm tấn mà phát tài
Chúc Ly
Thứ năm, ngày 24/09/2020 06:31 AM (GMT+7)
Trang trại có 1 không 2 nuôi tới 15 loài cá, tôm "độc, lạ" của chàng tỷ phú nông dân Phan Khắc Nhật Tiến, ngụ phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đang nổi tiếng khắp vùng. Ai mà có dịp "lỡ" lạc vào cái trang trại toàn cá, tôm, lươn to bự này thì gần chỉ ngắm miết chẳng muốn ra.
Tiếp xúc với một nông dân tỷ phú vốn là kỹ sư nhiều kinh nghiệm như anh Phan Khắc Nhật Tiến (ngụ phường 5, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thật sự bị choáng ngợp trước quy mô nuôi tôm cá và cái cách anh nuôi cá, tôm đặc sản quá hay của anh.
Với dáng người nhỏ nhắn, ít ai nghĩ rằng, người đàn ông trung niên này đã làm nên những điều thật đặc biệt ở một vùng đất đặc biệt như tỉnh Bạc Liêu.
Clip: Cận cảnh trang trại nuôi 15 loài cá, tôm, lươn "độc, lạ" của chàng tỷ phú nông dân Phan Khắc Nhật Tiến, phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nhật Tiến kể, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản vào năm 1999, anh Tiến quyết vào tỉnh Bạc Liêu lập nghiệp vì cho rằng đây là cái nôi của nghề nuôi trồng thủy sản.
Sinh sống Bạc Liêu, sau 4 năm đi làm thuê cho 2 công ty, trong đó có cả công ty nước ngoài anh Phan Khắc Nhật Tiến quyết định thuê đất tự nuôi tôm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Tiến chia sẻ: "Trong thời gian làm cho công ty nước ngoài, tôi được trả tiền lương lên đến mười mấy triệu đồng/tháng. Giá trị đồng tiền hồi đó so với bây giờ là khá cao so với mặt bằng chung. Nhưng trong quá trình tiếp xúc với nông dân, tôi lại mong muốn tự mình làm ao, làm chuồng nuôi cá, nuôi tôm. Khát khao của tôi lúc đó là đem kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá, tôm mình có để trở thành một nông dân hiện đại".
Nói là làm, vào năm 2003, anh Tiến chính thức nghỉ việc ở công ty nước ngoài và bắt tay vào nuôi 2 ao tôm sú. Với kiến thức đã học được và kinh nghiệm tích góp sau thời gian tiếp xúc gần gũi với nông dân, anh Tiến dùng hết số vốn ít ỏi tích lũy sau mấy năm đi làm để đầu tư.
Theo anh Tiến, thời điểm này, số người nuôi tôm còn khá ít, môi trường chưa bị ảnh hưởng nhiều nên nuôi tôm sú rất phát đạt. Với 2 ao nuôi tôm sú, vụ đó anh bán được hơn 600 triệu đồng, tương đương khoảng 200 cây vàng thời bấy giờ.
Sau thành công đó, anh Tiến có vốn và tiếp tục mở rộng diện tích lên 12 ao nuôi tôm sú. Cứ như thế, mô hình nuôi tôm sú của anh ngày càng phát triển. Theo đó, số ao nuôi tôm sú ngày một tăng thêm. Đến năm 2010, anh Tiến đã có trong tay 200 ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Anh Tiến chia sẻ: "Thời điểm 2001 đến năm 2005 là lúc người nuôi tôm khắp tỉnh Bạc Liêu trúng đậm, trong đó có tôi. Đến khoảng năm 2006 thì phong trào nuôi tôm bắt đầu chững lại, nhưng đến khoảng năm 2010 thì lại dấy lên phong trào nuôi tôm thẻ. Và ở những năm sau đó, thì nuôi tôm ngày càng khó khăn do thời tiết, dịch bệnh và cả giá thành sản xuất cao".
Cũng theo anh Tiến, sau nhiều năm tích góp, từ năm 2009, anh Tiến đã mua thêm đất đai để thuận tiện cho việc nuôi trồng thủy sản. Sau đó, nhận thấy con tôm không còn thuận lợi, anh bắt đầu giảm diện tích, đến nay anh chỉ còn khoảng 150 ao tôm.
Nuôi 15 loài thủy sản, toàn loài cá, tôm, lươn đặc sản
Với tinh thần cầu tiến, ham đổi mới và làm những điều đột phá, sau khi giảm diện tích nuôi tôm, anh Tiến lại mài mò chuyển hướng sang loại hình nuôi những loài thủy sản khác.
Những năm sau này, anh dành nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện các mô hình nuôi cá. Và tính đến này, với diện tích hơn 30ha đất, anh Tiến đã nuôi hơn 10 loài cá đặc sản khác nhau. Nếu tính luôn cả tôm sú và tôm thẻ, hiện anh Tiến đang nuôi 15 loài thủy sản...
Nói về hướng đi có phần lạ lẫm này, anh Tiến cho hay: "Sở dĩ tôi chọn nuôi nhiều loài thủy sản, đặc sản trên cùng một diện tích là vì, đây là những loài cá đặc sản tiêu thụ nội địa. Nếu tập trung vào nuôi một loài thì tôi khó có thể kiểm soát được đầu ra. Với cách làm này, tôi có thể luân phiên thu hoạch, đáp ứng được nhiều thị trường và không lo lắng cá, tôm, lươn bị dư thừa".
Với diện tích hơn 30ha và hàng trăm hồ, ao nuôi cá đặc sản các loại, anh Tiến đã chia nhỏ khu vực sản xuất thành 6 khu, Ở mỗi khu vực anh giao cho một tổ trưởng quản lý, cùng với 4 kỹ sư. Hiện nay, anh Tiến sử dụng tổng cộng khoảng 40 lao động thường xuyên, ở những tháng cao điểm có khi lên đến 70-80 người.
Khoảng 4 năm nay, anh Tiến đã có nhiều thành công với các loài cá đặc sản như cá hô, cá chuỗi ngọc, cá đối mục, cá lăng…Trung bình mỗi năm, anh Tiến xuất bán ra thị trường khoảng 400-500 tấn cá đặc sản các loại, thu lãi hàng tỷ đồng.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tham quan cơ ngơi của mình, anh Tiến cho hay, thời gian đây anh thật sự rất tâm đắc mới mô hình nuôi lươn không bùn công nghệ cao theo hình thức tuần hoàn nước khép kín.
Vốn tính cẩn thận, trước khi bắt tay vào nuôi lươn không bùn công nghệ cao, anh Tiến và các cộng sự đã mất khoảng 6 tháng để đi khảo sát thị trường và tìm hiểu kỹ thuật nuôi lươn, các hình thức nuôi lươn.
"Sau quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với con lươn là rất lớn, trong khi người nuôi chưa đáp ứng được. Với điều kiện sẵn có, tôi đã mày mò nghiên cứu và áp dụng theo hình thức nuôi lươn không bùn công nghệ cao", anh Tiến cho hay.
Hiện tại, anh Tiến đã đầu tư hoàn thiện hệ thống nuôi lươn không bùn công nghệ cao với 120 hồ. Anh đang thả nuôi 30 hồ lươn không bùn với khoảng 110.000 con lươn, một số hồ đã được thu hoạch.
"Với hình thức tuần hoàn nước khép kín, nước nuôi lươn được chảy qua hệ thống xử lý nước nhiều lần, cuối cùng chuyển vào những ao nuôi cá hiện tại. Ở những ao cá đặc sản này, các loại cá tôi đang nuôi sẽ ăn hết thức ăn dư thừa trong nước nuôi lươn. Sau khi lắng một thời gian, lượng nước này tiếp tục được lọc và đưa vào các hồ nuôi lươn. Cứ như thế, vòng tuần hoàn khép kín giúp cho nguồn nước được sạch và vệ sinh hơn", anh Tiến tiết lộ.
Với hệ thống bên trên nuôi lươn công nghệ cao, bên dưới nuôi cá, giúp cho anh Tiến kiểm soát được nguồn nước, chủ động vệ sinh ao hồ nuôi, giảm được dịch bệnh. Cũng nhờ đó, anh Tiến giảm được rất nhiều công chăm sóc, năng suất lươn nuôi được nâng lên.
Anh Tiến cho biết: "Với hình thức nuôi lươn công nghệ cao tiến tiến này, con lươn phát triển rất tốt, mỗi hồ 10m2 có thể thu về khoảng 600-700kg lươn. Sau khoảng 1 năm nuôi, lươn sẽ đạt trọng lượng trung bình khoảng 5 con/kg. Hiện tại với giá bán lươn trung bình từ 180.000-220.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng 100.000 đồng/kg, tôi còn lãi khá cao".
Chỉ tính riêng mô hình nuôi lươn không bùn, mỗi năm anh Tiến bán ra thị trưởng khoảng 30 tấn lươn, thu về khoảng 2,5 tỷ đồng.
Anh Tiến chia sẻ: "Việc nuôi nhiều loài thủy sản trong một diện tích giúp tôi chủ động rất nhiều. Trong một thời điểm, khi thu hoạch loài này, tôi có điều kiện nuôi loài khác dài ngày hơn. Ví dụ như, hiện tại tôi có 7 ao nuôi cá hô đặc sản với khoảng 10.000 con. Loài này chỉ cần nuôi sau khoảng 2 năm đã đã có thể xuất bán với giá khoảng 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nuôi càng lớn thì giá trị con cá hô quý hiếm càng cao, nên khi có đủ điều kiện thì tôi giữ lại rất lâu. Hiện mỗi tuần tôi bán khoảng 50 con cá hô đặc sản quý hiếm cho các nhà hàng".
Nói về dự định của mình ở tương lai, anh Tiến cho biết: "Sắp tới, tôi mong rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định hơn, tốt nhất là kiểm soát được để việc sản xuất của nông dân ít bị ảnh hưởng, nhất là ngành hàng thủy sản như tôi đang làm".
Ngoài ra, anh Phan Khắc Nhật Tiến cũng cho rằng, hiện nay tại khu vực khóm 8, phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có rất nhiều nông dân nuôi thủy sản, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng như điện, đường còn hạn chế, khiến cho chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều.
Anh mong rằng tình hình cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản sẽ được cải thiện tốt hơn để việc vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn.
Với những nỗ lực và thành tích nổi bật trong sản xuất, vừa qua, tỷ phú nông dân Phan Khắc Nhật Tiến được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.