Clip: Bơi ra giữa sông Hồng "đột nhập vương quốc" nuôi ốc nhồi dày đặc của "chàng Robinson" kỳ lạ đất Thái Bình
Clip: Bơi ra giữa sông Hồng "đột nhập vương quốc" nuôi ốc nhồi dày đặc của "chàng Robinson" kỳ lạ đất Thái Bình
Phạm Anh
Thứ ba, ngày 22/09/2020 19:00 PM (GMT+7)
Nuôi ốc nhồi dày đặc trong 1 con thuyền bỏ hoang ở giữa sông Hồng, sống một cuộc sống tách biệt với trên bờ một cách kỳ lạ, "chàng Robinson" 59 tuổi, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có thu nhập khủng...
Clip: Bơi ra giữa sông Hồng "đột nhập vương quốc" nuôi ốc nhồi dày đặc của "chàng Robinson" kỳ lạ đất Thái Bình. Đó là ông Phạm Văn Thư, 55 tuổi, thôn Tương Đông, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Người mà chúng tôi đặt cho cái tên "chàng Robinson" kỳ lạ đó là ông Phạm Văn Thư (55 tuổi), ở thôn Tương Đông, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Người mà đã rời bỏ cuộc sống trồng trọt, chăn nuôi bình thường như bao nông dân khác trên bờ để xuống sông Hồng "ở ẩn", dập dềnh trên chiếc thuyền bỏ hoang cùng đàn ốc nhồi đặc sản. Cuộc sống của ông Phạm Văn Thư quẩn quanh hàng ngày trên con thuyền bỏ hoang chứa dày đặc ốc nhồi.
Ông Thư kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, trước kia làm nghề vận chuyển cát gần 20 năm trên con sông Hồng. Thời gian đầu công việc khá thuận lợi. Nhưng khi những con thuyền bằng sắt hiện đại ra đời, chiếc thuyền bê tông nặng nề của ông trở lên lạc hậu, công việc làm ăn ngày càng kém đi.
Thất nghiệp, ông Thư lên bờ tìm kế sinh nhai nhưng chuyển hết công việc này sang công việc khác, ông cũng chẳng tìm được công việc nào ưng ý. Nhớ sông, nhớ nước, nhớ cảm giác được lênh đênh trên con thuyền... ông lại tìm xuống sông Hồng kiếm kế sinh nhai.
Thấy người ta nuôi cá lồng, ông cũng về học theo, đầu tư hàng trăm triệu làm lồng nuôi cá rồi mua cá về nuôi. Nhưng càng về sau, những loại cá mà ông nuôi giá liên tục giảm nên lời lãi chẳng đang bao nhiêu.
Được bạn bè giới thiệu cho mô hình nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó chi phí đầu tư lại thấp.
"Ban đầu tôi cũng thờ ơ khi bạn nói 2 tiếng ốc nhồi. Bởi nuôi ốc nhồi đâu phải dễ, phải có ao hồ, mà nước lại phải sạch. Mà trong làng tôi chắc gì các ao hồ đã còn sạch sau bao nhiêu năm phát triển...", ông Thư chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Rồi một đêm nằm vắt tay lên trán, đột nhiên ông nghĩ ra cách hay, mới, lạ và vẻ như phiêu lưu. Đó là dùng chính con thuyền chở cát năm nào đang bỏ hoang ngoài giữa sông Hồng làm ao nuôi ốc nhồi. Nói ra ý tưởng này, có người "mắng vốn" ông là "điên, khùng". Cá còn không nuôi nổi, huống hồ nuôi ốc nhồi.
Nhưng mặc kệ, ông Thư vẫn thấy ý tưởng nuôi ốc nhồi trong cái thuyền bỏ hoang giữa sông Hồng là mới, lạ.
Tự dưng trong người ông Thư tràn đầy năng lượng, khác hẳn những ngày ủ ê tìm kế sinh nhai.
Ông liền tìm tới các mô hình nuôi ốc nhồi để thăm quan học hỏi kỹ thuật nuôi ốc nhồi, kinh nghiệm nuôi ốc nhồi và mua ốc nhồi giống về nuôi thử.
"Tôi đến thăm quan thì thấy người ta nuôi bạt ngàn ốc nhồi trong bể xi măng, lúc này tôi với nghĩ thầm, nuôi trên bể bê tông xi măng với trên thuyền có khác gì nhau đâu. Sau đó tôi về lắp đặt thêm hệ thống bơm, thay tháo nước và mua 4.000 ốc giống về nuôi thử", ông Thư kể lại với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Ngày ngày ăn ngủ cùng đàn ốc nhồi nên hễ con ốc nào bị làm sao là ông biết ngay. Nhờ vậy mà đàn ốc nhồi dưới sự chăm sóc của ông lớn nhanh, con nào con đấy cũng béo ú ụ, vỏ bóng đẹp.
Thấy ốc nhồi dễ nuôi, tiền mua thức ăn cho ốc lại chẳng mất, giá bán ốc nhồi lại cao....ông Thư phấn khởi như nhặt được vàng.
"Con cá lăng nuôi cả mấy năm mới được bán, ấy vậy mà lắm khi giá bán cứ tụt, tụt hoài không chịu dừng... Giờ cá lăng còn có hơn 60 ngàn đồng/kg. Còn ốc nhồi thì chỉ nuôi có 4 tháng mà bán được tận gần 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, nuôi con cá lăng thì tốn tiền mua thức ăn lắm, con ốc nhồi thì ngược lại, thức ăn chẳng mất, chủ yếu nhặt nhạnh rau, cỏ, trái cây, lá cây cho ăn. Thế nên nuôi ốc nhồi gần như chỉ mất tiền mua giống và công chăm sóc, còn đâu tiền bỏ túi cả", ông Thư phân tích với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Thấy con ốc nhồi dễ nuôi, cho thu nhập khá cao nên ông Thư quyết tâm mở rộng nuôi hết cả diện tích cái thuyền bỏ hoang. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Thư đang có đàn ốc lên đến 2 vạn con ốc thương phẩm, trong đó có rất nhiều ốc đang sinh sản. Vào mùa ốc nhồi sinh sản, ngày nào ông cũng thu nhặt trứng đem đi ấp.
"Trung bình mỗi tháng, tôi cung cấp ra thị trường hơn 30.000 con ốc nhồi giống, giá ốc nhồi giống từ 500-700 đồng/con. Nhờ bán ốc nhồi ốc giống mà tháng nào tôi cũng có thu nhập hơn 15 triệu đồng", ông Thư tiết lộ.
Ông Phạm Văn Thư cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết, ước tính vào cuối năm nay, ngoài số ốc giữ lại làm ốc bố mẹ cho vụ năm sau, ông xuất bán thêm được trên 600kg ốc nhồi thương phẩm, giá bán ốc nhồi thịt dao động từ 80 -100 ngàn đồng/kg.
Từ việc nuôi ốc nhồi, ông Thư có thêm một nguồn thu nhập không hề nhỏ, giúp gia đình ông Thư có một cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Từ khi chuyển sang nuôi ốc nhồi, ông Thư không còn phải đau đầu tính toán như nuôi cá, vì nuôi ốc chẳng tốn kém gì cả.
Ông Thư tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, nuôi ốc nhồi ở miền Bắc trở ngại chính là vào mùa đông, thời tiết lạnh mà để dưới ao thì rất khó kiểm soát và chống lạnh cho đàn ốc, còn nuôi ốc trong thuyền thì ngược lại.
Thời tiết lạnh chỉ cần che bạt kín lại là dễ dàng kiểm soát được nhiệt độ, từ đó sẽ giữ được đàn ốc bố mẹ qua đông. Ngoài ra, nuôi ốc trên thuyền có ưu điểm khác là dễ dàng thay tháo và có nguồn nước sạch để nuôi ốc.
Từ khi nuôi ốc nhồi thành công ở cái thuyền bỏ hoang ở giữa sông Hồng, nhiều người khen ông Thư có cách làm giàu "độc nhất" tỉnh Thái Bình. Việc ông làm giàu như là câu chuyện "chàng Robinson" nuôi ốc nhồi ở giữa sông Hồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.