Chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Tiền Lê, với nhiều kiến trúc độc đáo. Chùa nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Lê Đại Hành khoảng 100m.
Cột kinh Phật nằm trong khuôn viên di tích là một trong những hiện vật quý hiếm, có một không hai ở Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995.
Cột được làm bằng đá, cao 4,16m; nặng 4,5 tấn, lắp ghép bằng 6 bộ phận gắn khớp vào nhau mà không cần sử dụng chất kết dính.
Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen
Trên 8 mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước chừng khoảng 2.500 chữ.
Theo các nhà khảo cổ, cánh sen ở cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được cho là những cánh sen xuất hiện sớm ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật. Bởi vì các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc nhà Lý - Trần về sau này đều bắt nguồn từ đó.
Trước những giá trị độc đáo về kiến trúc, hình dáng kết cấu, kích thước, tài liệu quan trọng... của cột kinh Phật, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận đây là Bảo vật Quốc gia.
Sau thời gian dài, đến nay nhiều chỗ trên thân cột đã bị hư hại, nứt nẻ.
Xưa kia, cột kinh Phật được đặt ngoài trời, nhưng những năm gần đây để bảo vệ cột khỏi tác động của thời tiết, chính quyền và các cơ quan chức năng đã dựng một nhà kiên cố với các cột gỗ lim và lợp mái ngói âm dương, kiến trúc kiểu mái cong.
Là hiện vật đầu tiên tại Ninh Bình được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cột kinh Phật bằng đá tại chùa Nhất Trụ, là hiện vật độc đáo mang nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa và ý nghĩa lịch sử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.