Du lịch phục hồi nhưng bất động sản nghỉ dưỡng còn khó khăn

Gia Linh Thứ năm, ngày 25/07/2024 10:27 AM (GMT+7)
Tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều điểm khả quan dù ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ.
Bình luận 0

Bất động sản nghỉ dưỡng cải thiện về nguồn cung

Dữ liệu báo cáo thị trường của DKRA Group cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng sau thời gian đóng băng đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là ở phân khúc condotel.

Cụ thể, DKRA Group cho biết phân khúc condotel có sự gia tăng đột biến về nguồn cung. Nguồn cung sơ cấp quý II/2024 tăng 51% so với cùng kỳ, phần lớn nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ (chiếm hơn 66%). Đáng chú ý, nguồn cung mới cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, mức tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ nhưng chỉ tập trung cục bộ tại khu vực miền Trung. Theo đó, lượng tiêu thụ cũng tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 6,8 lần), tuy nhiên giao dịch chỉ tập trung chủ yếu tại miền Trung.

Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũ hầu hết đều có tình hình bán hàng chậm hoặc đóng giỏ hàng, không ghi nhận phát sinh giao dịch. Giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án quy mô lớn với mức giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.

Bất động sản nghỉ dưỡng có bứt phá trong các tháng cuối năm?- Ảnh 1.

Bất động sản nghỉ dưỡng có sự cải thiện về nguồn cung ở phân khúc condotel - Ảnh: Gia Linh

Trong khi đó, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục dẫn dắt nguồn cung toàn thị trường. Sức cầu chung ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 69% so với cùng kỳ - đây là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.

Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn gặp khó khăn trong thanh khoản.

Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Hơn 97% nguồn cung sơ cấp trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ.

Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group đánh giá thị trường thời gian qua vẫn chưa thoát khỏi "vùng tối" dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng cố gắng làm nóng thị trường

Bước vào các tháng cuối năm 2024, chuyên gia DKRA Group dự báo, nguồn cung condotel trong thời gian tới dự báo giảm đáng kể so với quý II/2024, dao động khoảng 400 - 500 căn, tập trung phần lớn tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không có nhiều biến động so với quý II. Sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm dự kiến kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn.

Về phía các doanh nghiệp, thời gian qua, nhiều đơn vị gặp không ít khó khăn khi trót đầu tư vào các sản phẩm nghỉ dưỡng. Trong vòng vài năm gần đây, việc không phát triển được dự án mới, khó khăn trong công tác pháp lý, bán hàng, kinh doanh, dòng vốn… khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Bất động sản nghỉ dưỡng có bứt phá trong các tháng cuối năm?- Ảnh 3.

Một số doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đã có kế hoạch để tái khởi động các dự án, củng cố niềm tin khách hàng - Ảnh: Gia Linh

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn gắng "bám trụ" và chờ tín hiệu tích cực từ thị trường. Bước vào các tháng còn lại của năm 2024, một số đơn vị cho biết đã có kế hoạch để tái khởi động các dự án, củng cố niềm tin khách hàng.

Dưới đà phục hồi của ngành du lịch, nhiều chuyên gia kỳ vọng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm bắt kịp đà. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, ngành du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ, gần tiến tới mức tương đương năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và băng 98,5% so với năm 2019.

Bất động sản nghỉ dưỡng có bứt phá trong các tháng cuối năm?- Ảnh 4.

Bất động sản nghỉ dưỡng trông chờ vào ngành du lịch - Ảnh: Gia Linh

Đặc biệt, hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030", sẽ là động lực để các doanh nghiệp phát triển dự án đấy nhanh tiến độ, bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường.

Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel... thời gian tới có thể đạt độ ngắm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại.

Chủ tịch VARS dự kiến nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem