Bộ LĐTBXH đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7, mức cao nhất 20,8%
Bộ LĐTBXH đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7, mức cao nhất 20,8%
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 12,5%; tăng thêm 20,8% cho các đối tượng chưa được điều chỉnh tiền lương hưu trong năm 2022. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Bộ LĐTBXH vừa hoàn thành dự thảo gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc xây dựng Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Dự thảo được gửi xin ý kiến các Bộ: Công an, Nội vụ; Quốc phòng; Tài chính; Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Ngoài ra, do trong năm 2022, chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu mà không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, nên những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khi nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2022 cho đến trước ngày 1/7/2023 sẽ thấp hơn 7,4% so với những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/2022, (cùng quá trình công tác, cùng hệ số lương) do trong thời gian này, người lao động không được điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội vì lương cơ sở chưa được điều chỉnh.
Vì vậy, với những trường hợp trên, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023.
Điều chỉnh lương hưu của người về hưu trước năm 1995
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất điều chỉnh đối với người hưởng từ trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Cụ thể, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung, mà có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/tháng.
Với việc điều chỉnh nêu trên, dự kiến có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả, với kinh phí điều chỉnh khoảng 330 tỷ đồng. Dự kiến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, ngoài việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng thì còn tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Năm 2022, mặc dù không tăng lương cơ sở nhưng nhiều đối tượng đã được tăng thêm 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng.
Theo quy định hiện hành, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm. Điều này được cho là dẫn đến nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Vì vậy, trong xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đang đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới lộ trình 10 năm. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi hưu trí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.