Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 80% quảng cáo trực tuyến "tuột" khỏi tay báo chí, rơi vào mạng xã hội

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 12/11/2024 09:29 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhận định thẳng thắn về vấn đề báo chí sụt giảm nguồn thu do phải cạnh tranh với mạng xã hội.
Bình luận 0

Sáng 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 12/11. Ảnh: Media Quốc hội

Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung

Trình bày Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 3 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả…

Cụ thể, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam…

Nguyên nhân tình trạng tiêu cực của báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhận định thẳng thắn về vấn đề báo chí sụt giảm nguồn thu do phải cạnh tranh với mạng xã hội.

Bộ trưởng cho biết, 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì hiện rơi vào tay mạng xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị vào năm 2013 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rất rõ ràng chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm cho báo chí. Đây sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện về kinh tế báo chí.

Ông Hùng cũng nêu rõ, báo chí cần phải thay đổi công nghệ và về nội dung, có một chiến lược về chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo ch tương đương với cái các nền tảng xã hội. 

Về vấn đề đạo đức của người làm báo, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thu nhập phóng viên các cơ quan báo chí không thấp so với cán bộ công chức. 

"Nhiều cơ quan báo chí đã có mức thu từ 15 - 20 triệu, cao hơn công chức, viên chức, thấp hơn so với doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này tập trung vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí.", ông Hùng nói.

Xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) về quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Vấn đề này đã được bàn đến nhiều lần.

Đề cập đến các giải pháp mới, Bộ trưởng cho biết cần hoàn thiện thể chế. Trước đây mới quy định xử lý cá nhân dùng mạng xã hội đưa tin sai sự thật, tin giả. Nghị định được ban hành gần đây đã đưa xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp.

"Trước đây nghĩ nhiều đến trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng thực ra trách nhiệm lớn là của với các nền tảng xã hội. Họ có không gian riêng, thuê bao riêng lên đến hàng triệu, hàng tỷ người dùng, thì họ có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 12/11. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng, không gian số là một không gian mới, nên cần tăng cường kỹ năng số để người dân, nhất là thế hệ tương lai có khả năng đề kháng trong không gian số.

Ngoài ra, khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, xấu độc thì có chỗ để phản ánh, giúp đỡ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm Tin giả Quốc gia, gần đây các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này ở cấp địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem