Bóng đá Việt Nam vừa trải qua cơn náo loạn

Chủ nhật, ngày 11/03/2012 19:00 PM (GMT+7)
Đáng ngạc nhiên, có vẻ như người muốn “hạ bệ” VFF lại chính là VPF, một tổ chức thuộc quyền VFF. Ngay cả sự tôn trọng tối thiểu của VPF dành cho VFF đôi khi cũng khó nhận thấy...
Bình luận 0

Bóng đá chúng ta vừa trải qua một cơn náo loạn. Có quá nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề cấu trúc của hệ thống. Một hệ thống muốn ổn định và phát triển thì các yếu tố cấu thành không loại trừ nhau.

img
Bầu Kiên (trái) và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Vai trò và vị trí của VFF chúng ta đều đã biết. Ngay cả khi VFF có sai lầm, hay một vài cá nhân nào đó trong VFF chưa hoàn thành nhiệm vụ, thì VFF vẫn là đối tượng điều hành và quản lý bóng đá Việt Nam. Và vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cùng nhau chấn chỉnh để VFF ngày càng mạnh, chứ không phải cố gắng phủ nhận, và đôi khi có vẻ như muốn loại bỏ VFF.

Đáng ngạc nhiên hơn, có vẻ như người muốn “hạ bệ” VFF lại chính là VPF, một tổ chức thuộc quyền VFF. Khi thành lập VPF, đã thấy đăng rõ ràng trên báo rằng, VFF có quyền phủ quyết các hoạt động của VPF.

Nhưng trong thực tế, VPF thường xuyên tìm cách làm điều ngược lại: Bác bỏ VFF. Hơn nữa, về thực chất, có thể hiểu VPF hoạt động như một Công ty tổ chức sự kiện, còn trong thực tế, VPF có vẻ muốn hoạt động như một tổ chức lắm quyền và muốn làm tất cả.

Ngay cả sự tôn trọng tối thiểu của VPF dành cho VFF đôi khi cũng khó nhận thấy. Như vậy, có sự thiếu chuẩn xác khi hiểu về vị trí và chức năng của VPF.

Vấn đề đáng bàn tiếp theo là nhân sự. Một người làm hai chức năng, vừa Phó Chủ tịch của VFF, lại vừa là Tổng Giám đốc của VPF, thì khi có xung đột giữa hai tổ chức này, người ấy sẽ ngồi ở đâu?

Ngồi ở chỗ VFF, yêu cầu VPF tuân thủ điều nọ điều kia, hay ngồi ở VPF, phản đối VFF chuyện này chuyện khác? Những người lãnh đạo chủ chốt khác của VPF lại là ông chủ của từng CLB, vậy thì về cốt lõi, quyền lợi của CLB được bảo vệ hay lợi ích của cả nền bóng đá được đề cao?

Có khi nào, một cơ quan điều hành giải quan trọng như VPF mà những người điều hành lại thỉnh thoảng tuyên bố có thể bỏ giải, cái giải mà chính họ được giao tổ chức? Như vậy, việc bố trí nhân sự đã tạo ra những mâu thuẫn nột tại trong bản thân hệ thống mà khi có xung đột sẽ không thể giải quyết được.

Còn một khía cạnh nữa: phương pháp giải quyết xung đột. Vừa rồi, có cảm giác như người ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh, với nhiều màn tung tin, đánh tiếng mang màu sắc tình báo, với những ngón đòn mang tính triệt hạ nhiều hơn là thương thảo…

Và khi đó chúng ta như quên đi, người làm nên nền bóng đá chính là các HLV, các cầu thủ, các đội bóng, các trọng tài, các khán giả, và cả sự nỗ lực rất lớn của các địa phương. Những người trong nghề không chỉ là hiểu nghề, quan trọng hơn là họ có cái máu nghề. Nói thế chứ, kinh doanh và bóng đá cũng khác nhau lắm.

Chúng ta đã đấu tranh để VPF ra đời, đã hy vọng khi VPF xuất hiện. Nhưng để có thành công thì còn nhiều việc, trong đó về nguyên tắc, VPF chỉ có thể phát triển trong lòng VFF.

Theo Vũ Công Lập (Bóng đá Toàn cầu)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem