Bỗng dưng được Ngân hàng MB mở thẻ tín dụng dù không đăng ký
Bỗng dưng được Ngân hàng MB mở thẻ tín dụng dù không đăng ký
Trần Hòe
Thứ hai, ngày 25/03/2024 10:34 AM (GMT+7)
Chị C. ở Thừa Thiên Huế bỗng dưng được Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) mở thẻ tín dụng mặc dù không có nhu cầu và chưa từng đến ngân hàng này đăng ký mở thẻ này.
Ngày 22/3, chị N.Đ.K.C (trú tỉnh Thừa Thiên Huế) được nhân viên bưu điện giao một bưu phẩm của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Chị C. mở thẻ bưu phẩm thì thấy có 1 thẻ tín dụng quốc tế mang tên chị.
Sau đó, có một nhân viên Ngân hàng MB gọi điện đến hỏi chị đã nhận được thẻ tín dụng chưa vì chưa thấy chị kích hoạt thẻ. Chị C. hỏi lại rằng tại sao ngân hàng lại cung cấp thẻ tín dụng này trong khi chị không có nhu cầu mở thẻ và chưa hề đến ngân hàng đăng ký mở thẻ. Lúc này nhân viên ngân hàng trả lời rằng chị được cung cấp thẻ tín dụng miễn phí vì đủ điều kiện.
Chị C yêu cầu đóng thẻ tín dụng thì nhân viên ngân hàng nói không thể tùy tiện đóng thẻ của khách, đồng thời đề nghị chị C đến Ngân hàng MB chi nhánh Huế ở đường Lý Thường Kiệt, TP.Huế để làm thủ tục đóng thẻ.
Theo chị C, việc ngân hàng này tùy tiện mở thẻ tín dụng cho khách hàng khi khách không có nhu cầu nhưng lại trả lời không thể tùy tiện đóng thẻ là khó chấp nhận.
Để thông tin nhiều chiều, PV Dân Việt đã liên lạc với lãnh đạo Ngân hàng MB chi nhánh Huế nhưng người này đưa ra nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin rồi tắt máy.
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết: Hành vi tự ý thu thập thông tin cá nhân của người khác mở tài khoản là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Lê Cao, thông tin cá nhân của công dân được pháp luật bảo vệ và không được xâm phạm. Mở tài khoản ngân hàng là một dịch vụ nếu phát sinh phải được sự đồng ý thỏa thuận của chủ tài khoản cần mở. Ở đây chủ tài khoản không biết, không đồng ý mà ngân hàng đã tự ý thực hiện giao dịch mở tài khoản là làm trái nguyên tắc giao dịch dân sự phải dựa trên sự đồng thuận của hai phía. Do đó, giao dịch được tạo lập từ một phía, theo hướng ép buộc và đặt người khác vào thế đã rồi là giao dịch trái pháp luật.
Luật sư Lê Cao cho hay, tại Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) đã quy định việc xử lý đối với vi phạm này.
Theo đó, vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.