Cách làm nước dâu tằm và nước sấu cho mùa hè

Thứ ba, ngày 24/05/2016 13:23 PM (GMT+7)
Mùa hè là mùa của quả dâu tằm và quả sấu nên 2 loại nước giải khát này luôn là đồ uống “hot” nhất trong những ngày hè nóng nực.
Bình luận 0

Bạn có thể tham khảo cách ngâm chuẩn 2 loại nước giải khát dưới đây để những khi đi làm, đi học về nhà, cả gia đình bạn được thưởng thức những ly nước giải khát vừa ngon vừa sạch.

Nước dâu tằm

img

Nguyên liệu:

- Dâu tằm: 2 kg

- Đường: 800 gr – 1 kg

Cách làm:

- Dâu tằm đem thả vào chậu nước đầy, dùng tay khoắng nhẹ để rửa sạch cát, bụi bám vào dâu. Rửa khoảng vài nước, cho đến khi dưới đáy chậu không còn cát đọng lại là được. Vì dâu tằm rất dễ bị nát nên các thao tác nên làm nhẹ nhàng và nên rửa từng ít một. Hoặc có thể cho một ít dâu vào rổ rồi xả dưới vòi nước.

- Đun sôi một nồi nước to với một chút muối, để cho nước nguội bớt (khoảng 70 độ). Thả một ít dâu vào ngâm khoảng 1- 2 phút rồi vớt ra rổ cho ráo nước, làm cho đến hết số dâu.

- Rải một lớp dâu vào khay (hộp, lọ, xoong) lớn rồi lại rải một lớp đường lên trên. Cứ rải một lớp dâu lại đến 1 lớp đường cho đến khi hết dâu và đường, rồi đậy kín lại. Ngâm dâu qua đêm, sáng hôm sau dâu sẽ tiết ra rất nhiều nước và đường thì tan hết.

- Cho tất cả dâu, nước dâu vào nồi đun sôi thì hạ lửa nhỏ để dâu sôi trong khoảng 40 – 45 phút.

- Để nồi dâu nguội bớt, gạn lấy phần nước cốt dâu, cho vào lọ thủy tinh. Chờ khi nước dâu nguội hẳn thì đậy nắp lọ rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.

- Cho phần quả dâu vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, cho thêm chút đường nữa nếu dâu chưa đủ ngọt. Cho phần dâu xay nhuyễn này lên bếp sên cho đến khi đặc quánh lại thì tắt bếp. Để cho mứt dâu nguội hẳn, cho vào lọ thủy tinh rồi cũng bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

Những hôm trời nóng chỉ cần rót một ít nước dâu tằm vào cốc, thêm nước và đá là đã có một cốc siro dâu mát lạnh để giải nhiệt rồi.

Phần mứt dâu có thể đem dùng để làm kem, ăn kèm bánh mì…

Nước sấu

img

Nguyên liệu:

+ 1kg sấu xanh

+ 1kg đường hoa mai hoặc đường trắng

+ 50g gừng

+ 10g muối

Cách làm:

Sấu chọn quả xanh, tròn đều không bị dập. Dùng dao hoặc dụng cụ chuyên nạo sấu để gọt sạch vỏ. Các bạn không nên cạo vỏ sấu vì như vậy sẽ không loại bỏ được nhựa sấu khiến sấu nhanh chóng bị thâm và chát.

- Nếu sấu còn non, các bạn để nguyên quả, dùng dao khía 2 đường trên quả sấu. Nếu sấu đã già hơn, các bạn dùng dao nhỏ và sắc khía vòng tròn xung quanh hạt sấu để tách 2/3 cùi sấu, 1/3 cùi sấu vẫn dính vào hạt.

- Rửa sạch rồi ngâm sấu trong một chậu nước có pha muối, 10 phút sau vớt sấu ra (không ngâm lâu vì sấu dễ bị nhũn), xả lại một lần nữa với nước đun sôi để nguội.

- Một số công thức hướng dẫn nên trần sấu, tuy nhiên với những bạn làm lần đầu, rất dễ trần sấu quá tay khiến sấu mất đi độ giòn nên mình không áp dụng cách làm đó. Sau khi ngâm sấu, các bạn chỉ cần rửa và tráng sấu với nước đun sôi để nguội rồi vớt ra rổ cho ráo nước.

- Cho sấu vào lọ hoặc bát to đã tráng nước sôi, lần lượt rải 1 lớp sấu - 1 lớp đường. Đậy nắp lại, để nơi thoáng mát đến khi đường tan.

- Sau 1 ngày đường tan và ngấm vào quả sấu, nếu ngâm sấu non thì quả sấu sẽ quắt lại và nổi lên như thế này. Lượng đường nhỏ chưa tan hết sẽ chìm xuống đáy.

- Chắt nước sấu ra nồi, rắc 1 dúm muối nhỏ và thả gừng thái sợi hoặc đập dập vào đun cùng giúp tạo mùi thơm cho nước sấu.

- Khi nước sấu sôi được khoảng 3 phút thì các bạn tắt bếp, đợi nước sấu nguội hoàn toàn mới đổ nước sấu trở lại vào lọ ngâm cùng với quả sấu.

- Pha nước sấu ngâm với đá là các bạn sẽ có ngay một cốc nước giải khát tuyệt vời.

- Nước sấu nổi váng thường do 3 nguyên nhân:

+ Do dụng cụ đựng chưa được diệt khuẩn.

+ Do sấu bị dính nước lã.

+ Do lượng đường ngâm quá ít.

Vì vậy các bạn nên chú ý cẩn thận trong các khâu nhé. Sấu ngâm sẽ để được lâu hơn nếu các bạn đun kĩ phần nước sấu hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

Tùng Anh (th) (Báo Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem