Lao động tâm tư vì muốn về hưu sớm nhưng lo vì thiếu tuổi về hưu!

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 24/05/2024 15:16 PM (GMT+7)
Vấn đề tiền lương đóng BHXH giữa trường công và trường tư thế nào; đủ số năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi về hưu thì có bị trừ tỷ lệ % không?... là những thông tin được lao động quan tâm.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương: Đủ số năm đóng BHXH nhưng không đủ tuổi có bị trừ % hưởng lương hưu?

Sáng nay (24/5), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề: “Những điểm mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”.

Tại tọa đàm, nhiều vấn đề có liên quan tới chính sách pháp luật và BHXH được cán bộ công chức, viên chức, người lao động giải đáp cụ thể.

Cô Đường Thị Thu Hương – Giáo viên Trường Tiểu học Đồng Nhân (Hai Bà Trưng) thắc mắc: “Xin hỏi chuyên gia, giáo viên trường công và tư thục mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có khác nhau không?”

Về vấn đề này, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chia sẻ như sau: Về cơ bản, giáo viên trường công lập sẽ hưởng lương theo hệ số nhân với lương cơ sở, còn trường tư thục thì tiền lương, tiền công do chủ sử dụng lao động quyết định và mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Lao động tâm tư vì muốn về hưu sớm nhưng lo vì thiếu tuổi về hưu!- Ảnh 1.

Cô giáo Vũ thị Thu Hương đặt câu hỏi liên quan tới việc về hưu trước tuổi. Ảnh: N.T

Về quy định mức lương khác nhau, nhưng tỷ lệ đóng BHXH giống nhau, đều đóng 32% trên tổng số tiền lương, tiền công. Nói chung là đóng BHXH nhưng 32% này đóng 4 nguồn quỹ khác nhau, theo 4 luật khác nhau là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm,...

Một lao động khác là cô giáo Vũ Thị Thu Hương - Trường Tiểu học Đồng Tâm hỏi: “Xin hỏi chuyên gia, lao động nữ đã đóng bảo hiểm hơn 30 năm, vậy lao động nữ muốn về hưu lúc 55 tuổi thì có được giữ mức lương hưu 75% không? Trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH thì có được đóng gộp thời gian còn lại để không bị trừ phần trăm lương hưu không?”

Bà Dương Thị Minh Châu cho biết, theo quy định tuổi nghỉ hưu với nữ là 60 tuổi, thời gian đóng BHXH là 30 năm thì sẽ được hưởng lương hưu 75%, trừ trường hợp tinh giản biên chế thì mới có quy định giữ nguyên, không trừ tuổi đời. Nếu về trước 5 năm, phải giám định y khoa, xác định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì mới có căn cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi bị trừ 2%.

Có hai điều kiện song song là tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH, nếu đạt cả hai điều kiện thì không bị trừ tỷ lệ phần trăm lương hưu, nếu chỉ đạt một trong hai điều kiện thì sẽ bị trừ tỷ lệ. Ví dụ đạt 30 năm đóng BHXH nhưng chưa đạt tuổi đời mà muốn về sớm thì bị trừ mỗi năm về sớm 2%.

Trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH thì có thể đóng thêm, nhưng không phải đóng một lần mà đóng kéo dài.

Cải cách tiền lương, chế độ thai sản cho lao động tham gia BHXH có thay đổi không?

Anh Lương Anh Quân - Đoàn viên phường Minh Khai băn khoăn: Từ 1/7, khi cải cách tiền lương thì liệu cách tính bảo hiểm thai sản nói chung và tính thai sản đối với giáo viên mầm non, tiểu học sẽ như thế nào? Chế độ thai sản cho người chồng có thay đổi gì không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Khi tiền lương thay đổi thì tiền tính để hưởng chế độ thai sản sẽ thay đổi. Khi thực hiện bỏ lương cơ sở, thì tất cả các chế độ trong Luật BHXH liên quan đến lương cơ sở ví dụ như nghỉ dưỡng sức, trợ cấp cho con; trợ cấp hàng tháng; tiền lương hưu; trợ cấp tai nạn lao động… sẽ thay đổi theo. Việc lao động nam nghỉ khi vợ sinh con thì vẫn đang căn cứ trên tiền lương, tiền công để tính, do đó khi lương thay đổi thì cũng thay đổi theo.

Vì vậy, hiện nay khi tiến hành cải cách tiền lương, cơ quan thuộc Chính phủ cũng đang ban hành thông tư, nghị định có liên quan để hướng dẫn thực hiện.

Lao động tâm tư vì muốn về hưu sớm nhưng lo vì thiếu tuổi về hưu!- Ảnh 2.

Bà Dương Thị Minh Châu trả lời các thắc mắc của người lao động liên quan tới BHXH. Ảnh: N.T

Trước đó, cũng tại 1 buổi tọa đàm do Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội tổ chức, bà Vũ Minh Huyền - Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội cũng đã trả lời các thắc mắc liên quan tới vấn đề cải cách tiền lương.

Từ ngày 1/7 tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì việc người lao động được tăng lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác không còn được đề cập. Người có thành tích nổi bật trong công tác sẽ được khen thưởng bằng cách chi vào lương. Khi thực hiện chế độ tiền lương mới, sẽ có lương phải trả và các phụ cấp kèm theo, cộng với khoản tiền thưởng. Thực tế thì việc “nâng lương trước thời hạn” bản chất chính là khoản tiền thưởng này.

Với người giữ chức vụ lãnh đạo thì sẽ tăng lương theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Đối với người không giữ vị trí lãnh đạo thì việc tăng lương sẽ khác nhau giữa các vị trí làm việc. Nhìn chung, những người cùng thâm niên sẽ có mức lương như nhau, người có thâm niên làm việc lâu năm hơn, có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn. Về nguyên tắc, tiền lương khi cải cách sẽ không giảm đi, hoặc thấp hơn thang, bảng lương hiện hưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem