Những ngày qua, tại một số địa phương, việc công nhân xuống đường tuần hành biểu thị lòng yêu nước lại bị kích động, biến thành những vụ đập phá tài sản. Nhìn từ góc độ chính trị học, những hành động này thể hiện điều gì, thưa ông?TS-GSKH Phan Xuân Sơn.
- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vào vùng biển Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc đó đã chạm tới lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Lần này theo tôi lòng yêu nước đã được thể hiện rất rõ và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, các ngành, giới địa phương, thậm chí cả Việt kiều ở nước ngoài, bạn bè quốc tế cũng ủng hộ tạo nên một chiến dịch rộng khắp.
Trong thẳm sâu lòng yêu nước của người VN, một khi đất nước bị xâm lăng, tinh thần ấy lại được khơi dậy. Nhìn sâu hơn nữa, trong các trạng thái xung đột, về mặt tâm lý có phản ứng cộng hưởng và dây chuyền (hay tâm lý đám đông). Trong một số vụ tuần hành vừa rồi, tâm lý đám đông đã xuất hiện cùng với việc khơi dậy lòng yêu nước, nhưng ở một bộ phận có sự cộng hướng lớn hơn, tạo nên sự quá khích. Cũng không loại trừ việc các công nhân này đã tích tụ mâu thuẫn từ lâu với giới chủ và nay nhân dịp này có cớ bùng phát hoặc có thế lực xúi giục, kích động…
Vậy giải quyết triệt để những xung đột nội tại kiểu này, để ngăn chặn, phòng ngừa những trường hợp tương tự xảy ra bằng cách nào, thưa ông?- Người quản lý xung đột phải biết trong các nhóm dân cư hay trong các hành động, hành vi, cái nào thể hiện sự quá khích, nhóm người nào dễ bị quá khích để phân loại và quản lý. Cái này chúng tôi nghiên cứu gọi là quản lý xung đột. Phải tìm ra người cầm đầu trong một nhóm, nhóm tiên phong, người đi theo. Đã là xung đột, đã là đám đông thì không thể tránh được hiện tượng quá khích, nhưng vấn đề là trách nhiệm người quản lý (ở đây là chính quyền, cơ quan chức năng) phải biết được động cơ của từng nhóm người để quản lý.
Theo tôi, những xung đột vừa xảy ra mới là phần nổi của tảng băng. Nếu muốn ngăn chặn nó, nhà quản lý xung đột phải lặn xuống phần chìm của tảng băng để tìm cho được giải pháp thích đáng, phù hợp. Còn giải pháp cụ thể, tôi xin đề xuất: Trước hết, ta phải đưa công nhân trong các công ty về lao động bình thường, những thiệt hại phải sớm khắc phục. Ngay cả bên các doanh nghiệp là nạn nhân cũng cần sớm ổn định tình hình để sản xuất. Chúng ta cũng phải nói rõ chúng ta vẫn kiên định giải pháp ôn hòa trên cơ sở pháp lý và chúng ta đấu tranh với người cầm quyền Trung Quốc chứ không phải với các doanh nghiệp, nhân dân Trung Quốc.
Mặt khác, cơ quan chức năng phải tìm xem có lực lượng nào đóng vai chủ mưu để đẩy quá khích lên. Hiện nay chúng ta đang điều tra và sẽ sớm làm rõ những kẻ quá khích đó là do nhận thức yếu kém hay còn lý do gì nữa. Chúng ta nên mời những người có trách nhiệm lên phương tiện truyền thông để tuyên truyền người dân, biểu thị lòng yêu nước khôn ngoan, duy lý.
Những hành vi này có dấu hiện lan khá nhanh trong khi những giải pháp ông vừa nêu không phải dễ để thực hiện ngay?- Nguyên tắc xử lý xung đột điểm nóng là phải tìm ra nguyên nhân, ngòi nổ để tháo gỡ. Phải tìm được ngòi nổ quá khích ở đâu: Biểu tình yêu nước hay là do chủ mưu kích động để tháo đúng ngòi. Cũng như chữa cháy, phải tìm được nơi bắt nguồn đám cháy, rồi sau đó khoanh vùng, không cho lây lan rộng và cuối cùng là dập tắt. Phải tăng cường lực lượng để đảm bảo các cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, ngăn chặn quá khích. Ngoài ra chúng ta cũng nên sớm xây dựng và đưa Luật Biểu tình vào cuộc sống vì đó cũng là một công cụ giúp cho Nhà nước quản lý xung đột xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Hải Phong (thực hiện) (Hải Phong (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.