Cán bộ dôi dư sau tinh gọn bộ máy được hỗ trợ như thế nào?

Thùy Anh Thứ năm, ngày 12/12/2024 18:19 PM (GMT+7)
Đa số cán bộ, công chức ủng hộ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhưng cũng bày tỏ nguyện vọng cần có cơ chế giải quyết chế độ, chính sách cán bộ, công chức dôi dư, bảo đảm quyền lợi cho họ trong trường hợp phải nghỉ việc.
Bình luận 0

Hỗ trợ cán bộ dôi dư sau hợp nhất: Giải pháp từ các địa phương

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, việc hỗ trợ cán bộ dôi dư không chỉ là trách nhiệm mà còn là bài toán cần lời giải phù hợp từ các địa phương. Nhiều chính sách đã được triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tái hòa nhập công việc cho các cán bộ dôi dư.

Chiều ngày 11/12, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc đồng ý chi gần 175 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 1.000 cán bộ dôi dư, tinh giản biên chế sau khi hợp nhất 80 phường. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 11/12/2024.

Theo đó, các trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế theo diện nghỉ hưu trước tuổi sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.

Các trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính (cán bộ, công chức cấp xã) sẽ được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.

Các trường hợp thôi việc do tinh giản biên chế sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Còn tại Hà Nội, trước thực tế sắp xếp 109 đơn vị cấp xã để hình thành 56 đơn vị cấp xã mới (33 xã, 23 phường) thuộc 20 quận (theo Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội, giai đoạn 2023-2025), chính quyền thủ đô đã có phương án chi tiết đến năm 2029 để hỗ trợ các cán bộ dôi dư sau hợp nhất.

Chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư tại các địa phương: Ai cũng nên biết để không bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Nhiều chính sách ở các địa phương được triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tái hòa nhập công việc cho các cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Ảnh: N.T

Ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, với 831 cán bộ, công chức cấp xã dự kiến sẽ dôi dư sau sắp xếp, Hà Nội sẽ giải quyết cho 448 người (trong năm 2024), năm 2025 là 207 người, năm 2026 là 110 người, năm 2027 là 36 người, năm 2028 là 21 người, năm 2029 giải quyết 9 người. Các địa phương sẽ dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động.

Tại Nghệ An, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tỉnh này sẽ dành ngân sách 76 tỷ đồng để hỗ trợ 1.355 cán bộ dôi dư. Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết, với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã dôi dư sẽ giảm theo các hình thức như: nghỉ hưu đúng độ tuổi; nghỉ hưu theo nghị định 26 và 29; chuyển việc khác hoặc đơn vị khác khi còn thiếu biên chế và lộ trình hoàn thành trong vòng 5 năm theo quy định.

Cụ thể, đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Đối với những trường hợp thôi việc ngay, sẽ được hỗ trợ 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Những người đang hưởng chế độ hưu trí và đảm nhiệm vị trí cán bộ cấp huyện, cấp xã sẽ được hỗ trợ 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác tại vị trí hiện tại. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ được hỗ trợ bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng (tối đa không quá 15 tháng); ủy viên thường trực Mặt trận Tổ quốc và ủy viên thường vụ các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã được hỗ trợ một lần với số tiền 3,2 triệu đồng/người.

Bàn luận về phương án giải quyết với cán bộ dôi dư sau tinh gọn bộ máy, chuyên gia nói gì?

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Cán bộ công chức, viên chức, người lao động bị tác động rất lớn, họ có những băn khoăn, tâm tư chính đáng. Song, nhận thức việc sắp xếp phải thông suốt, không chỉ cán bộ mà vợ con cán bộ phải ủng hộ”.

Theo ông Hà, việc sắp xếp lại đội ngũ phải thực hiện nhanh bởi tới đây là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, từ quý 1/2025 là Đại hội Đảng cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và tháng 1.2026 là Đại hội Đảng toàn quốc. “Việc sắp xếp con người phải có lộ trình. Chìa khóa là dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch. Công bằng thế nào khó lắm, 20 người chỉ 15 người ở lại chả lẽ bốc thăm cho về? Do đó phải đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách công tâm khách quan và có tiêu chí rõ ràng”, ông Hà nhấn mạnh.

Chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư tại các địa phương: Ai cũng nên biết để không bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được nhiều người quan tâm. Ảnh: N.T

Nói về chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, luật sư Nguyễn Đoàn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Căn cứ Điều 12 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; Mục 4 Hướng dẫn 26-HD/BTCTW năm 2023:

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ”.

Ông Đoàn khẳng định: “Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem