Cần sa, anh túc rao bán như... rau trên mạng xã hội

Vũ Khoa Thứ ba, ngày 16/05/2023 07:46 AM (GMT+7)
Bị liệt vào loại hàng hóa bị cấm, thế nhưng cây cần sa vẫn được mang rao bán một cách công khai trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Chạy quảng cáo đăng bán cần sa để tăng tương tác

Qua tìm hiểu của PV Dân Việt trên một số trang mạng xã hội, hiện nay tình trạng cần sa, anh túc vẫn được rao bán một cách công khai. Truy cập vào kênh bán hàng, người dùng dễ dàng khảo giá, đặt mua hàng cấm không mấy khó khăn. Chỉ cần khách mua yêu cầu, hàng sẽ được nhận chuyển đến mọi tỉnh thành thông qua dịch vụ vận chuyển.

Cụ thể, tại một số trang như "Đồ ngâm Tây Bắc cs2", "Trang trại cau Hà Giang", "Hạt giống hoa", "Chuyên hạt giống vùng cao", "Hạt hoa vùng cao".. PV ghi nhận được các bài đăng có sử dụng hình ảnh cây cần sa, anh túc để rao bán. Từ hoa, thân cho đến hạt gieo mầm.. chỉ cần người mua có nhu cầu, tất cả đều có bán.

Chi phí dao động từ vài trăm nghìn đối với hạt mầm, hay 1,1 triệu/ 25 quả, khoảng 500gram. 50 quả là 1 triệu 950 nghìn đồng và tăng tùy theo số lượng. Các sản phẩm này bao gồm cả cả quả khô, quả tươi và nguyên cây buộc thành từng bó. Điều đáng nói, những người đăng bán tỏ ra không hề e dè bị cơ quan chức năng "sờ gáy" mà bỏ thêm tiền chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác. 

Mặt khác, không có bất cứ một dòng cảnh báo nào về tác hại khi sử dụng cần sa được những người bán hàng nêu lên. Thay vào đó, sản phẩm được quảng cáo là "cực tốt" cho ngâm rượu, chăn nuôi và làm thuốc!?!

Quá trình khảo sát, PV gặp cả những tin quảng cáo có tài trợ, nhận về hàng trăm tương tác. Bên cạnh các bình luận xin giá, đặt mua.. những "dân chơi" còn bày cho nhau cách vận chuyển, gieo trồng, sử dụng sao cho kín kẽ để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.

Cần sa, anh túc rao bán như... rau trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Cần sa bó lại như rao được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng và ngày càng phức tạp của các kênh bán hàng thương mại điện tử, công tác quản lý nhà nước cũng do vậy mà cần tăng cường. Trong đó, nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm.. trong môi trường thương mại điện tử, Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) đã được Tổng cục Quản lý thị trường thành lập từ năm 2020.

Thành viên của Tổ 368 gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương.

Nhiều hệ lụy sức khỏe, phát sinh vấn đề xã hội do sử dụng cần sa

Tác hại của cần sa đối với sức khỏe con người từ lâu đã được các chuyên gia về sức khỏe nêu ra hàng loạt nguy cơ. Theo đó, sử dụng cần sa sẽ khiến người dùng mắc phải các triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh.

Thậm chí, đây còn là nguyên nhân gây ra mất kiểm soát hành vi, dẫn đến người dùng có hành động tiêu cực, tự gây hại cho mình và người khác. Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, đe dọa tính mạng.

Theo các bác sỹ, trong cần sa có chứa một số thành phần là nguyên nhân tạo ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác. Phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng, cây cần sa có thể đồng thời gây nhịp tim nhanh, và ức chế phản xạ giao cảm.

Cần sa, anh túc rao bán như... rau trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Cần sa được quảng cáo như dược liệu thông thường. Ảnh chụp màn hình.

Tại Việt Nam, việc trồng, tàng trữ cũng như mua bán, vận chuyển cây cần sa đã bị cấm triệt để. Người vi phạm các quy định về pháp luật có thể bị xử lý áp dụng theo Luật Hình sự. Điều 21 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định người trồng cây cần sa với số lượng nhỏ (dưới 500 cây) và vi phạm lần đầu sẽ bị xử phạt hành chính 2-5 triệu đồng.

Nếu tang vật lớn hơn 500 cây, cá nhân vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 247 Bộ luật hình sự. Mức phạt gồm phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn hành vi trồng từ 3.000 cây thuốc phiện trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Tuy nhiên, mặc cho những nguy cơ đã được cảnh báo, tâm lý tò mò, thích ảo giác sảng khoái nên nhiều người vẫn lạm dụng. Điều đáng ngại, nhóm người sử dụng cây cần sa, hoặc các sản phẩm có nguồn gốc tương tự đa số lại là lớp thanh, thiếu niên. Hệ quả là nhận về những tác hại đối với sức khỏe, gây ra không ít vấn đề xã hội.

Liên quan đến công tác quản lý hàng hóa trên các kênh thương mại điện tử, môi trường mạng xã hội, PV đã liên hệ với Tổng cục Quản lý thị trường để đặt vấn đề về nguyên nhân những sản phẩm bị cấm nhưng vẫn được rao bán một cách công khai. Trách nhiệm của các đơn vị có chức năng kiểm soát, trong đó có Tổ 368 ra sao khi để bất cập tồn tại. Câu trả lời sẽ được PV gửi đến quý độc giả trong bài viết tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem