Chuyên gia cảnh báo nhóm ngân hàng không có dư địa loại bỏ nợ xấu, lộ khoảng trống pháp lý

H.Anh Thứ hai, ngày 18/12/2023 06:54 AM (GMT+7)
Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ lệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.
Bình luận 0

Cuối quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tăng lên 2,2% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,3% từ mức 1,8% cuối 2022.

Đến tháng 8/2023 tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn toàn hệ thống (bao gồm SCB, Đông Á, CB, Oceanbank, GPbank) ở mức 5,12% và 8%.

Ngân hàng "đau đầu" vì nợ xấu, ngóng hành lang pháp lý

Nợ xấu của toàn ngành đã tăng quý thứ tư liên tiếp kể từ khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực, tăng lên mức 2,2%. Tuy nhiên mức tăng của tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng chậm lại trong quý III/2023 ngoại trừ nhóm ngân hàng quốc doanh (do ảnh hưởng từ Vietcombank ghi nhận nợ nhóm 4 tăng mạnh). Nguyên nhân là do việc triển khai áp dụng Thông tư 02 tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140 nghìn tỷ (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Trong đó, một thống kê khác cho thấy, VPbank có nợ cơ cấu 14.900 tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 2,86% dư nợ), và BIDV với gần 20.000 tỷ đồng (chiếm gần 1,5% dư nợ), giúp kiểm soát nợ xấu tăng vọt trong quý III vừa qua.

Chuyên gia cảnh báo nhóm ngân hàng không có dư địa để loại bỏ nợ xấu, lộ khoảng trống pháp lý - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. (Nguồn: Báo cáo ngân hàng, KBSV)

Thực tế, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh, trong khi đó việc xử lý tài sản đảm bảo cũng gặp không ít khó khăn, việc thu hồi nợ đặc biệt là nợ cho vay tín chấp khó "chưa từng thấy". Đây là vấn đề khiến các "ông chủ" nhà băng đau đầu nhất.

Chẳng hạn như tại VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, dư nợ cho vay tín chấp lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng rất khó thu hồi nợ vì "nắm đằng lưỡi", lại không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay, số lượng cán bộ thu hồi nợ tại VPBank đã giảm tới 3.000 người, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Đáng lo nhất là tình trạng bùng nợ chưa được xử lý, cả với bùng nợ cá nhân và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp khó trả nợ cũ, không muốn vay mới, nợ xấu có xu hướng tăng lên. Theo NHNN, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng là do doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, cùng với đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.

Chuyên gia cảnh báo nhóm ngân hàng không có dư địa để loại bỏ nợ xấu, lộ khoảng trống pháp lý - Ảnh 2.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của các ngân hàng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích tại Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), áp lực lên nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như MBBank, Techcombank, TPBank hay MSB…vẫn còn do chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân. Dù vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023, tuy nhiên sẽ cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024.

Những rủi ro khiến nợ xấu xấu phình to trong năm sau theo các nhà phân tích, có thể đến từ việc Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 06/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ.

Hai là, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều. Hiện tại, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt, nhóm ngân hàng ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì bộ đệm trên 200%, trong khi tỷ lệ này ở các nhóm ngân hàng top dưới đều đã dưới mức 100% tính đến quý III.

Theo KBSV, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít "phơi nhiễm" với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ lệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.

Chuyên gia cảnh báo nhóm ngân hàng không có dư địa để loại bỏ nợ xấu, lộ khoảng trống pháp lý - Ảnh 3.

Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, gây áp lực đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại.

Trong khi nợ xấu tăng lên, thì một trong những nỗi lo của ngân hàng là hành lang pháp lý đối với xử lý nợ xấu sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống. Đó là việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng bày tỏ lo ngại, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang năm mới được trình Quốc hội thông qua. Điều này có nghĩa sẽ có khoảng trống pháp lý với ngân hàng về xử lý nợ xấu.

Ông đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu để hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem